Ở thôn Thủy Tú, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, khoảng 2 năm trở lại đây, có thể nhận thấy những đổi thay trong cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của người dân.
Tình hình an ninh trong thôn đã có những thay đổi rõ rệt, tình trạng bạo lực gia đình không còn xảy ra hoặc không tái phạm, các hộ gia đình cùng nhau giúp đỡ phụ nữ đơn thân, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Kinh tế cải thiện
Kinh tế của các hộ gia đình cũng cải thiện đáng kể. Bình quân thu nhập đầu người tăng 37 triệu đồng/người/năm (năm 2020); năm 2021 thôn không có hộ nghèo; năm 2022 thu nhập bình quân đầu người 53 triệu/người/năm. Các hộ gia đình luôn tạo điều kiện cho con học hành đạt kết quả cao tỷ lệ học giỏi và thi đỗ các trường cao hơn so với những năm trước.
Thôn đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung vận động mọi người dân đưa chăn nuôi ra vùng quy hoạch được người dân đồng tình hưởng ứng đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư. Cùng với đó, thôn quy hoạch nghĩa địa tập trung và chia cho các hộ dân xây dựng nghĩa địa của gia đình. Các tổ chức đoàn thể đảm nhận các trục đường tự quản, cắt tỉa hàng rào, vệ sinh đường làng ngõ xóm vào ngày 18 hàng tháng. Chi hội phụ nữ trồng các đường hoa yêu thương, vận động chị em phân loại rác và bỏ đúng ngày và đúng giờ, đúng nơi quy định, thôn trồng được 200 cây xanh bóng mát.
Cuộc sống đổi thay của phụ nữ và trẻ em trong thôn có nhiều thay đổi
Những con số nêu trên là kết quả gần 2 năm hoạt động của mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" tại thôn Thủy Tú. Mặc dù tình hình dịch bệnh có nhiều phức tạp nhưng đã đạt nhiều kết quả thiết thực, thu hút thành viên tham gia ổn định.
Ông Lê Đình Sồ, Chủ nhiệm CLB "Làng quê an toàn", cho biết: Thôn Thủy Tú nằm trung tâm UBND xã Vĩnh Tú, gồm 200 hộ dân với 600 dân khẩu, là thôn thuần nông, lao động sản xuất truyền thống, thu nhập của người dân còn thấp, điều kiện kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn, môi trường chưa sạch, đẹp... Bên cạnh đó, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường nên đã nảy sinh ra nhiều hiện tượng tiêu cực và các tệ nạn xã hội như buông lỏng sự quản lý của gia đình đối với con cái, bạo lực gia đình (cả thể chất lẫn tinh thần), mất an toàn giao thông…
Từ thực tế này, mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" thôn Thuỷ Tú được thành lập với 178 thành viên, trong đó có 68 nam giới nhằm huy động sự tham gia của cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Mô hình thực hiện việc trao quyền cho các thành viên để trở thành tình nguyện viên trong cộng đồng, tham gia và tổ chức các hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương; đồng thời phá vỡ sự im lặng và sẵn sàng lên tiếng về tình trạng bạo lực trên cơ sở giới có liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực học đường, bạo lực gia đình…
Các hộ gia đình trong thôn và Ban điều hành đã thảo luận và thống nhất "Làng quê an toàn" phải đảm bảo các tiêu chí sau: Phụ nữ và trẻ em không bị xâm hại, hoặc không có nguy cơ bị xâm hại về thể chất hoặc tinh thần vì lý do giới tính; Các tai nạn thương tích được phòng ngừa trong gia đình và cộng đồng; Người dân được đảm bảo sử dụng các thực phẩm an toàn; Được tiếp cận các dịch vụ an ninh và pháp luật công bằng, minh bạch; Phụ nữ được đối xử công bằng như nam giới và tiếng nói của họ được tôn trọng.
"Để triển khai hiệu quả các nội dung hoạt động mô hình, chúng tôi phát huy vai trò của toàn thôn, trong đó các thành viên ban công tác thôn làm nòng cốt tham gia ban điều hành, triển khai các hoạt động của mô hình", ông Lê Đình Sồ nhấn mạnh thêm.
Đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức, kỹ năng
Trong quá trình triển khai hoạt động, ban điều hành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng an toàn cho thành viên mô hình về phòng chống bạo lực gia đình, an toàn trên không gian mạng, luật an ninh mạng, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, các kỹ năng an toàn về thực phẩm, đuối nước, tín dụng đen...
Cùng với các hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em, ban điều hành cũng tổ chức sinh hoạt định kỳ mô hình theo hướng các chuyên đề an toàn, dưới hình thức các Diễn đàn về tệ nạn xã hội, đưa ra những tình huống thiếu an toàn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm tháo gỡ những vướng mắc thường gặp, qua đó tuyên truyền pháp luật và kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ bản thân, hạn chế tối đa các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, phát triển kinh tế…
Từ những hoạt động trên, mô hình đã góp phần giữ vững tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới và quyết tâm đạt nông thôn mới kiểu mẫu, mang đến cuộc sống an toàn, hạnh phúc, ấm no hơn cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em tại địa phương.
Nguồn tin: Phụ Nữ Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn