Sáng kiến “Chăm sóc và phát triển trẻ thơ” được triển khai từ năm 2021 tại các xã: Húc, Thuận, Thanh, Lìa, Xy, A Dơi, Pa Tầng, Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa) đã tạo cơ hội để trẻ em người dân tộc thiểu số từ 0 - 11 tuổi được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn. Dự án triển khai cho hai nhóm cụ thể, đó là: “Nhóm trẻ vui chơi đọc sách” dành cho trẻ từ 4 - 11 tuổi và “Nhóm U10” dành cho trẻ từ 0 - 10 tuổi. Mục tiêu hướng đến của hoạt động là cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng, thực hành cho cha mẹ thực hiện nuôi dưỡng vì sự phát triển toàn diện của trẻ; tạo cơ hội cho trẻ được tham gia các hoạt động giáo dục và an toàn ngoài chương trình học chính tại trường. Đồng thời, trao quyền cho các bậc làm cha mẹ có con từ 0 - 11 tuổi chủ động lựa chọn mô hình chăm sóc trẻ phù hợp với tình hình thực tế tại thôn, bản. |
Trên cơ sở ý tưởng sáng kiến của các nhóm đề xuất, Ban điều hành Dự án Plan sẽ hỗ trợ kinh phí để xây dựng mô hình, với mức hỗ trợ từ 3 - 15 triệu đồng/mô hình. Đến nay, có gần 60 nhóm hộ gia đình ở các thôn, bản/8 xã dự án của huyện đăng ký sáng kiến và đã được phê duyệt triển khai với tổng mức kinh phí hỗ trợ là 344 triệu đồng. Sáng kiến “Nuôi gà, ngan bản địa” được triển khai tại một hộ gia đình đại diện nhóm, ưu tiên hộ có con suy dinh dưỡng, với số lượng hỗ trợ bình quân mỗi hộ là 9 con giống. Sau quá trình sinh trưởng, hộ trực tiếp làm sẽ được hưởng lợi con giống để nhân đàn vật nuôi và dành số lượng trứng gà, ngan chia sẻ cho các hộ khác trong nhóm làm thực phẩm dinh dưỡng cho con nhỏ.
Sau một thời gian triển khai, mô hình phát triển thuận lợi, đàn vật nuôi ổn định thì sẽ chuyển sang hộ gia đình khác. Sáng kiến “Góc học tập” được triển khai tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn hoặc nhà tình nguyện viên của nhóm, tùy điều kiện thực tế tại địa bàn. Tại đây, nhóm sẽ được trang bị đầy đủ bàn ghế, sách vở, giấy bút vẽ, bút màu… và một số dụng cụ học tập, vui chơi khác. Định kỳ mỗi tháng một lần, nhóm sẽ tổ chức sinh hoạt dưới sự điều hành của tình nguyện viên là người địa phương đã được tập huấn kiến thức và kỹ năng tại huyện và tỉnh. Sáng kiến “Sân chơi cho trẻ” thì được triển khai tại các nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, bản bao gồm trang bị xích đu, cầu bập bênh…
Để tăng cường hiệu quả của hoạt động, hội phụ nữ các xã tổ chức tập huấn cho các hộ gia đình có con trong độ tuổi từ 0 - 11 về kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Theo đánh giá, các sáng kiến chăm sóc trẻ thơ tại tất cả 8 xã vùng dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa được triển khai đồng bộ, bước đầu đem lại kết quả khả quan, đáp ứng được mục tiêu hỗ trợ cung cấp dinh dưỡng và tạo góc học tập, sân chơi bổ ích cho trẻ. Bằng những kiến thức, kỹ năng và hiệu quả thực tế mà mô hình sáng kiến vì trẻ thơ mang lại, các hộ gia đình là người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô có con nhỏ tại đây ngày càng ý thức hơn về việc chăm sóc, giáo dục con cái, tạo điều kiện cho con được chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng, đồng thời tạo môi trường học tập, vui chơi hợp lý cho trẻ, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa Hồ Thị Thu Nhường cho biết: “Từ hiệu quả bước đầu của dự án “Chăm sóc và phát triển trẻ thơ”, thời gian tới hội chỉ đạo các cơ sở hội tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên có con em trong độ tuổi đăng ký sinh hoạt các nhóm chăm sóc trẻ. Đồng thời, có sự theo dõi hoạt động của các nhóm để định hướng, tư vấn và hỗ trợ kịp thời, phát huy hiệu quả của các sáng kiến đã đăng ký. Triển khai nhân rộng mô hình, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tại vùng khó”.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn