Ra mắt “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” và “Tổ truyền thông cộng đồng” tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: S.T
Huyện Vĩnh Linh có 3 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi là Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Với nhiều chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tại vùng đồng bào DTTS, từ năm 2021 đến tháng 8/2024, các xã này đã lần lượt về đích nông thôn mới. Đời sống của người dân nhờ vậy được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, việc làm... của người dân nơi đây vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em.
Đứng trước thực trạng này, cùng với nhiều chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh, huyện Vĩnh Linh cũng đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp nhằm giúp cho phụ nữ và trẻ em tại các vùng khó khăn nâng cao chất lượng cuộc sống như: Tăng cường tuyên truyền giúp người dân nhận thức về vị trí, vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội; tạo điều kiện học hành, tập huấn nâng cao kiến thức; hỗ trợ mô hình sinh kế...
Đặc biệt từ khi Dự án 8 được triển khai với mục tiêu “Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi” đã tạo thêm cơ hội để phụ nữ, trẻ em vùng DTTS được chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần.
Với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện dự án trên địa bàn, Hội LHPN huyện Vĩnh Linh đã triển khai thực hiện 4 nội dung cụ thể: Tuyên truyền, vận động xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Đến nay, tại 3 xã miền núi của huyện đã thành lập và vận hành hiệu quả các mô hình cốt lõi của dự án, gồm: 10 tổ truyền thông cộng đồng; 10 địa chỉ tin cậy cộng đồng; 3 câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại trường học. Trong đó, đối với mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” gồm 30 thành viên là các em học sinh độ tuổi từ 11 -16 tuổi.
Thành viên CLB sẽ là hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới; hỗ trợ chính quyền cùng các ban, ngành, địa phương, nhà trường và cha mẹ thực hiện tốt việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; mô hình “Địa chỉ tin cậy” do UBND xã ban hành quyết định thành lập mô hình và ban điều hành.
Mỗi địa chỉ có 15- 28 thành viên, tổ chức các hoạt động: Hỗ trợ người bị bạo lực thông qua cung cấp chỗ tạm lánh, sơ cứu, ổn định tâm lý người bị bạo lực cũng như có nhiệm vụ hỗ trợ, kết nối người bị bạo lực tới các dịch vụ an sinh xã hội khác tại địa phương. Đối với mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” được thành lập tại các thôn, bản, khu dân cư có từ 7-10 thành viên.
Bên cạnh đó, 3 năm qua, Hội LHPN huyện cũng đã tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên tham gia mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 3 hội nghị đối thoại chính sách giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã và cán bộ, hội viên phụ nữ; 1 hội thi “Nâng cao năng lực về định kiến giới và phòng chống bạo lực gia đình”. Nhờ vậy, các mô hình, hoạt động của dự án đã đi vào thực chất, hiệu quả hơn, được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Nói về hiệu quả việc triển khai Dự án 8 ở xã Vĩnh Ô, chị Hồ Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã bày tỏ: “Khi dự 8 được triển khai thực hiện, từ sự chỉ đạo, quan tâm của Hội LHPN cấp trên, Hội LHPN xã đã thành lập các “Địa chỉ tin cậy”, “Tổ truyền thông cộng đồng”. Các tổ này duy trì sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần. Từ công tác truyền thông, nhiều chị em phụ nữ đã tự tin, vươn lên làm kinh tế giỏi. Đến cuối năm 2023, qua khảo sát, thu nhập bình quân của hội viên phụ nữ xã Vĩnh Ô đạt 37 triệu đồng/người/năm. Số hội viên phụ nữ là chủ hộ nghèo giảm còn 10 hộ”.
Không chỉ ở Vĩnh Ô, mà cả 2 địa phương còn lại là Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số phụ nữ đã tăng lên đáng kể. Chị em thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, sinh ít con để giảm áp lực trong nuôi dạy con cái. Đồng thời, chủ động vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình. Đến cuối năm 2023 số hội viên phụ nữ là chủ hộ nghèo Vĩnh Hà còn 8 hộ, Vĩnh Khê còn 2 hộ.
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Tuyết, để tạo sức lan tỏa sâu rộng về chủ trương và mục tiêu Dự án 8, các cấp hội LHPN huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong triển khai thực hiện dự án; tăng cường công tác tập huấn, thông tin, truyền thông trong cộng đồng và củng cố, duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình thuộc dự án.
Song Thương
Nguồn: Báo Quảng Trị
Những tin cũ hơn