Đông đảo người dân, trong đó có nhiều nam giới tham gia chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình ở xã Tà Long, huyện Đakrông - Ảnh: T.C.L
Chiến dịch tập trung thực hiện hoạt động tuyên truyền về xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Mục tiêu thực hiện chiến dịch là nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông giúp nâng cao nhận thức, thái độ, kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân trong cộng đồng, nhất là nam giới tại các địa phương. Qua đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ban điều hành “Địa chỉ tin cậy”, chủ “Địa chỉ tin cậy” thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông phòng ngừa bạo lực gia đình đến hội viên phụ nữ, gia đình, người dân trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Kết quả mong muốn chiến dịch truyền thông mang lại là thay đổi hành vi, nếp nghĩ cách làm, xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, hủ tục đưa lại nhiều nguy hại cho phụ nữ và trẻ em, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai liên tục tại 10 xã từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2024, mỗi xã thực hiện 1 ngày với số lượng người tham gia 120 người/xã. Chiến dịch có sự tham gia của Thường trực và cán bộ Ban Kinh tế - Gia đình, Xã hội Hội LHPN tỉnh; đại diện Hội LHPN huyện, Phòng Văn hoá, Thông tin huyện Hướng Hoá và huyện Đakrông.
Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; hướng dẫn các kỹ năng; truyền đạt các kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình. Việc tuyên truyền được triển khai phong phú, đa dạng hình thức thể hiện, ngoài phổ biến về pháp luật, Hội LHPN tỉnh còn chiếu các video clip về phòng, chống bạo lực gia đình; sân khấu hóa bằng các tiểu phẩm truyền thông và giao lưu dưới hình thức câu hỏi, hái hoa dân chủ trả lời về phòng, chống bạo lực gia đình.
Để chiến dịch truyền thông triển khai đạt kết quả tốt, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức một cách chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể, đồng thời hướng dẫn hỗ trợ hội LHPN các xã về công tác chuẩn bị (nội dung và các điều kiện đảm bảo để tổ chức thực hiện) theo kế hoạch. Hội LHPN các xã trong vùng Dự án 8 có nhiệm vụ báo cáo với cấp ủy về hoạt động Hội LHPN tỉnh tổ chức tại xã, mời đại biểu, huy động lực lượng (Ban Điều hành, thành viên, chủ “Địa chỉ tin cậy” và người dân, chú trọng đối tượng là nam giới) tham gia chiến dịch truyền thông, đảm bảo số lượng, thành phần, thời gian quy định. Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo tổ chức và phục vụ các hoạt động chiến dịch truyền thông, xây dựng kịch bản sao cho chặt chẽ để chiến dịch truyền thông đạt hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Rụt, huyện Đakrông Hồ Thị Hằng cho biết: Chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình được tổ chức thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ, người dân tham gia, trong đó huy động được các “Địa chỉ tin cậy” và có nhiều nam giới tham gia là yếu tố mang lại hiệu quả tuyên truyền cao.
Chiến dịch truyền thông về phòng, chống bao lực gia đình lần này được tổ chức đạt hiệu quả cao. Không chỉ có cán bộ cơ sở, hội viên phụ nữ mà còn thu hút nam giới tham gia, đây mới là đối tượng mà chiến dịch truyền thông hướng tới để nâng cao nhận thức của họ nhằm cho họ thấy được sự cấp thiết và đã đến lúc phải thực hiện nói không với các hành vi bạo lực gia đình.
Khi nam giới hiểu rõ ý nghĩa của việc phòng, chống bạo lực gia đình thì họ sẽ chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc, làm nhiều việc tốt cho phụ nữ và trẻ em.
Việc tổ chức các chiến dịch truyền thông đảm bảo tiết kiệm, thiết thực và mang lại tác dụng lớn trong việc nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về phòng, chống bao lực gia đình, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Bài và ảnh:Trần Cát Linh
(Nguồn: Báo Quảng Trị)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn