PHÁT HUY VAI TRÒ “BÓNG CẢ” TRONG THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI, BẢO VỆ QUYỀN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM

Thứ tư - 23/10/2024 21:10
Bao đời nay, phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) chịu nhiều thiệt thòi về nhiều mặt, đặc biệt là từ những hủ tục, quan niệm lạc hậu. Nhận thấy, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Trị luôn đi đầu chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân rất hiệu quả, Hội LHPN các cấp tích cực phối hợp với những “bóng cả” ở đại ngàn tham gia tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới với nhiều cách làm hay, thiết thực.
Ông Hồ Xuân Tình, người uy tín ở thôn Ra Lu trò chuyện, động viên phụ nữ DTTS ở địa phương vươn lên sống tốt hơn - Ảnh: K.S
Những năm trước, phụ nữ và trẻ em gái ở thôn Ra Lu, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông nói riêng, vùng đồng bào DTTS&MN nói chung ít có tiếng nói trong gia đình, cam chịu sự phân biệt về giới, họ chỉ biết cặm cụi làm việc, chăm sóc chồng con. Để giúp chị em trong thôn không phải chịu nhiều thiệt thòi, với vai trò là người có uy tín, ông Hồ Xuân Tình không ngại tuổi cao, sức khỏe ngày càng giảm sút tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội đi đến từng nhà trong thôn tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nếp sống văn minh.
Với phương châm tuyên truyền, vận động “Mưa dầm thấm lâu”, ông đến gặp những người lớn tuổi, nam giới ở thôn thường xuyên giải thích cho họ hiểu phụ nữ cũng như nam giới cần được quan tâm, bình đẳng như nhau. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái phải được bảo vệ, chăm lo về nhiều mặt. Phải bỏ đi những hủ tục lạc hậu như: Phụ nữ mang thai không đến trạm y tế mà dựng lán ngoài vườn, nương rẫy tự sinh nở; quan niệm “Trọng nam hơn nữ”, “Trời sinh voi sinh cỏ”, ốm đau nhờ tới thầy mo,... nhằm hạn chế tình trạng muốn có con trai nối dõi tông đường, sinh con đông rồi sống trong cảnh luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu...
“Với phương pháp kiên trì nói chuyện về bình đẳng giới của tôi, những năm gần đây, suy nghĩ của người dân trong thôn tiến bộ hẳn. Nhiều gia đình người chồng khuyến khích vợ tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của địa phương; chồng tự giác chia sẻ việc làm ăn, việc nhà, chăm lo con cái chu đáo hơn; không phân biệt trai hay gái, họ cho con đến trường học chữ như nhau. Đặc biệt, tình trạng muốn vợ sinh con trai nối dõi tông đường giảm hẳn. Nhờ vậy, mô hình sinh ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc được nhân rộng; phong trào xóa đói giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao” - ông Tình chia sẻ. Sự quan tâm đặc biệt của ông Tình về tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới đã giúp nhiều chị em, trẻ em gái thôn Ra Lu có tiếng nói trong gia đình, cộng đồng. Họ phấn khởi phát huy năng lực, sở trường, chung sức cùng chồng con xây dựng cuộc sống mới. Chị Hồ Thị Tám ở thôn Ra Lu vui vẻ nói: “Trước đây, nhiều chị em trong thôn vất vả lắm, đa số phải làm trụ cột kinh tế gia đình nhưng lời nói vẫn không có trọng lượng. Từ ngày có người uy tín phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội tuyên truyền, vận động người dân thực hiện bình đẳng giới, đàn ông trong thôn vỡ vạc ra nhiều thứ. Họ quan tâm vợ con hơn, chia sẻ việc nương rẫy, việc nhà,... Như chồng tôi đây giờ tiến bộ hẳn, giành làm nhiều việc hơn vợ, không còn tình trạng thường xuyên tụ tập bạn bè uống rượu nữa. Tôi rất vui khi mình và chị em trong thôn được tham gia mọi việc như nam giới, khẳng định vị thế, vai trò của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội”.
Phụ nữ Pa Kô ở xã A Bung giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống Ảnh: K.S
Quảng Trị có đồng bào DTTS sinh sống khá đông, chiếm gần 14% dân số toàn tỉnh với 2 cộng đồng dân tộc chủ yếu là Vân Kiều và Pa Kô. Do một số phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn nên vấn đề bình đẳng giới trong vùng DTTS còn nhiều hạn chế; đời sống vật chất lẫn tinh thần phụ nữ nơi đây còn nhiều thiệt thòi. Chị em nơi đây ít có cơ hội học tập nâng cao trình độ, giải trí, tham gia các hoạt động xã hội; chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân để mạnh dạn vươn lên để phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và nâng cao thu nhập để thoát nghèo,...
Trước thực trạng đó, những năm qua, Hội LHPN tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ, trẻ em gái vùng đồng bào DTTS&MN. Đặc biệt, Hội tranh thủ phát huy tiếng nói, sự ảnh hưởng của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới, những tập tục lạc hậu để thực hiện bình đẳng giới. Nhờ vậy, nhiều hoạt động, mô hình hỗ trợ phụ nữ DTTS được triển khai và mang lại nhiều kết quả tích cực. Riêng hoạt động của Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2025 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, đến nay, các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả, thành lập 144 “Tổ truyền thông cộng đồng”, 39 “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, 29 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, 4 tổ nhóm sinh kế ứng dụng khoa học công nghệ tại cơ sở. Tổ chức 10 cuộc “Đối thoại liên thế hệ”, 38 hội nghị đối thoại chính sách cấp xã với 4.290 người tham gia, 18 lớp tập huấn lồng ghép giới cho 1.225 lượt cán bộ thôn, bản (trong đó, có trên 350 lượt người có uy tín tại cộng đồng và các tổ truyền thông đều có người có uy tín tham gia).
Thông qua tập huấn nhằm trang bị và nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện tuyên truyền về bình đẳng giới cho già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng. Cuối tháng 8/2024, Hội LHPN tỉnh tổ chức Tọa đàm chia sẻ sáng kiến kinh nghiệm về phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) trong thúc đẩy bình đẳng giới tỉnh Quảng Trị. Tại tọa đàm, một số người có uy tín trong vùng đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh trao đổi kinh nghiệm phát huy vai trò của người uy tín chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề xuất giải pháp, đặc biệt là trong công tác vận động, tuyên truyền người dân bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em ở địa phương, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới; xóa bỏ những tập tục lạc hậu; giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS,...
Các cấp Hội LHPN cũng đã phối hợp với già làng, trưởng bản, người uy tín lồng ghép tuyên truyền khai thác những lợi thế về bản sắc văn hoá DTTS tạo ra những giá trị về mặt kinh tế và nâng cao nhận thức của người dân và phụ nữ, loại bỏ dần những tập tục không còn phù hợp như ma chay, cưới hỏi nặng nề gây tốn kém, đặc biệt là những có tập tục có hại đối với phụ nữ và trẻ em của một số dân tộc như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh nở tại nhà không có hỗ trợ y tế,... Xây dựng nông thôn mới; xây dựng các mô hình văn nghệ, thể thao gắn với phát triển đặc trưng văn hoá, truyền thống. Củng cố, thành lập mới các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ hủ tục, thúc đẩy bình đẳng giới,... tạo “sân chơi” lành mạnh, khẳng định vai trò của hội viên, phụ nữ vùng DTTS trong phát triển đời sống văn hoá, KT-XH ở địa phương và tham gia bảo vệ an ninh biên giới,...
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thúy Nga cho biết: “Già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS&MN là cầu nối đắc lực, góp phần quan trọng giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS&MN. Nhờ vậy, vai trò, vị trí của phụ nữ DTTS ngày càng được khẳng định trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín vùng DTTS&MN. Qua đó, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em gái DTTS”.
KÔ KĂN SƯƠNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Fanpage Hội Phụ nữ
hình ảnh
Văn bản mới

24/HD-BTV

HƯỚNG DẪN Công tác tuyên truyền, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Thời gian đăng: 17/10/2023

lượt xem: 246 | lượt tải:13
Liên kết Website
Dự án 8
bình đẳng giới
facebook HPN
Thống kê
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay4,881
  • Tháng hiện tại186,003
  • Tổng lượt truy cập4,358,544
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây