Bà TRẦN THỊ THANH HÀ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn
- Thưa bà, đề nghị bà đánh giá khái quát những kết quả nổi bật trong công tác hội của các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh trong năm 2023?
- Năm qua, các cấp hội LHPN trong tỉnh tiếp tục đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và quyết tâm đưa nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp vào cuộc sống. Hội LHPN tỉnh đã tập trung các biện pháp đồng bộ, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai đến tận các cấp hội, 8/8 chỉ tiêu thi đua năm 2023 đều đạt và vượt kế hoạch. Tiêu biểu, toàn tỉnh có 125/125 cơ sở hội xây dựng CLB/mô hình hoạt động nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe.
Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố và Hội Phụ nữ các đơn vị lực lượng vũ trang ký kết giao ước thi đua thực hiện chủ đề năm 2024 -Ảnh: K.S
100% cơ sở hội triển khai thực hiện “Phân loại rác thải tại nguồn”, ra mắt 106 mô hình “Phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình” nâng tổng số đến nay là 197 mô hình; nhân rộng 307 mô hình “Ngôi nhà xanh”, nâng tổng số mô hình toàn tỉnh hiện nay là 341 mô hình. Các mô hình “Ngôi nhà xanh” tổ chức thu gom ve chai bán được hơn 654,2 triệu đồng, đã trao tặng thẻ BHYT, suất quà, mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ (HVPN).
Hỗ trợ xây dựng 1.866 nhà tiêu hợp vệ sinh trị giá 1,45 tỉ đồng. Giúp 2.923 hộ nghèo, cận nghèo có phụ nữ dưới nhiều hình thức. Các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, phù hợp với địa phương. 100% cơ sở hội đăng ký và triển khai ít nhất 1 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Kết quả, có 241 công trình, phần việc được thực hiện. Đẩy mạnh chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thành lập các mô hình thu hút, tập hợp hội viên hiệu quả... Năm 2023, phát triển 1.516 hội viên, tăng 1,15% so với năm 2022; giới thiệu 311 hội viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, trong đó, có 94 hội viên được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Tiếp tục duy trì, nhân rộng và thực hiện có hiệu quả các mô hình làm theo Bác như: “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với địa chỉ nhân đạo”,“Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm”, “Ngôi nhà xanh”, “Ngày tình thương”... để hỗ trợ HVPN, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền trên 5,9 tỉ đồng. Các cấp hội cũng đã tổ chức hội nghị biểu dương điển hình tiêu biểu giai đoạn 2018 - 2023.
Thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện phong trào “Phụ nữ Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”, năm qua, ra mắt 24 mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, nâng tổng số mô hình trên toàn tỉnh là 94 mô hình; thành lập 11 mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch”, nâng tổng số mô hình lên đến 22 mô hình.
Thực hiện Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2019 - 2027”, Hội LHPN tỉnh tổ chức cuộc thi trực tuyến “Sáng kiến thúc đẩy mô hình làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em” với 35 bài dự thi. Cấp huyện tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: hội thi tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS (huyện Gio Linh); diễn đàn giao lưu “Vai trò của bố và mẹ trong chăm sóc phát triển toàn diện cho trẻ em” (huyện Đakrông)...
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025”, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo và triển khai nhiều hoạt động giúp HVPN tiếp cận kiến thức, công nghệ và cơ hội để nâng cao năng lực, thực hiện khởi nghiệp, đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm...
Thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo, sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị cho 236 cán bộ hội, cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp cơ sở, ban quản lý, thành viên HTX/ THT và HVPN. Vận động 550 người tham gia xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nga và Nhật Bản...
Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN tỉnh và 5 huyện thuộc địa bàn dự án đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới (BĐG) cho đội ngũ cán bộ các cấp, chỉ đạo và xây dựng mô hình, các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi.
Tổ chức hội thi “Sáng kiến truyền thông về BĐG và phòng chống bạo lực gia đình”; tổ chức và trao giải Cuộc thi “Lắng nghe con nói”, Hội LHPN tỉnh đã chọn 20/120 tác phẩm dự thi cấp trung ương và đoạt giải Đặc biệt, vòng chung kết toàn quốc năm 2023 với tác phẩm tranh vẽ “Niềm vui của em” của nhóm tác giả là học sinh lớp 9A, Trường Phổ thông DTNT Đakrông, huyện Đakrông.
Thực hiện Chương trình “BĐG và nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái DTTS tại tỉnh Quảng Trị”, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao năng lực toàn diện cho PN&TE gái tại 5 xã vùng đồng bào DTTS với 1.500 lượt học sinh và phụ huynh tham gia.
- Riêng đối với hai khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)” và “Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh, đồng hành xây dựng chi, tổ hội vững mạnh”, hội đã triển khai và đạt được những kết quả như thế nào, thưa bà?
- Thực hiện khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động hội, trọng tâm là ứng dụng CNTT”, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong triển khai hoạt động hội: tuyên truyền trên mạng xã hội; xây dựng các chương trình, khóa tập huấn nâng cao khả năng tiếp cận ứng dụng công nghệ số, internet cho đội ngũ cán bộ hội; rà soát để làm cơ sở đề xuất trang bị, hỗ trợ máy tính cho hội cơ sở.
Ứng dụng CNTT trong tập huấn trực tuyến, sinh hoạt theo chuyên đề cho chủ tịch hội LHPN cấp cơ sở; tổ chức các cuộc thi trực tuyến. Đối với khâu đột phá “Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh, đồng hành xây dựng chi, tổ hội vững mạnh”, các cấp hội tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, sáng tạo như: tham gia sinh hoạt với chi hội phụ nữ, kết nạp hội viên cao tuổi vào sinh hoạt hội; tổ chức diễn đàn “Xây dựng chi hội, tổ phụ nữ vững mạnh”, “Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chi hội vững mạnh”; hội thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp; củng cố các mô hình chi hội/tổ phụ nữ theo địa bàn dân cư.
Ra mắt mô hình điểm “1+1” và “3 có - 3 biết”; 1 CLB “Cán bộ hội ứng dụng CNTT” tại xã Hải Dương, huyện Hải Lăng; thành lập 112 mô hình phù hợp với nhu cầu, sở thích. Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành hội viên danh dự đến đông đảo hội viên và Nhân dân. Năm 2023, đã công nhận 429 hội viên danh dự ở 9 huyện, thị xã, thành phố.
- Đề nghị bà cho biết năm 2024 các cấp hội tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì?
- Năm 2024, các cấp hội LHPN tập trung thực hiện tốt chủ đề năm “Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động hội”. Mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng, triển khai ít nhất 1 mô hình, sáng kiến, giải pháp ứng dụng CNTT thực hiện chủ đề năm. 100% đơn vị cấp huyện tham gia có chất lượng cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt hội”.
Phấn đấu 100% hội LHPN xã, phường, thị trấn được trang bị máy tính riêng, có kết nối mạng. 100% hội LHPN cấp huyện và xã, phường, thị trấn tổ chức ít nhất 1 hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho HVPN. Tập trung thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XV.
Thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động, khâu đột phá và các nhiệm vụ thường xuyên như: hỗ trợ phụ nữ phát triển, hội nhập và vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam “Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”. Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, vận động xã hội thực hiện BĐG.
Xây dựng tổ chức hội vững mạnh, chuyên nghiệp, hiệu quả, trong đó có giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả hai khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động hội, trọng tâm là ứng dụng CNTT” và “Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh, đồng hành xây dựng chi, tổ hội vững mạnh”. Tổ chức tốt một số hoạt động sự kiện, chương trình trong năm.
- Xin cảm ơn bà!
Kô Kăn Sương (thực hiện)
Nguồn: Báo Quảng Trị
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn