Chuyện về người phụ nữ kiên trung nơi miền cát trắng Gio Linh

Thứ hai - 09/05/2022 21:36
Vào đầu tháng 4/2000, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tổ chức cuộc gặp gỡ đại biểu “Đội quân tóc dài” lần thứ nhất của 32 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở vào tại hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong danh sách đoàn đại biểu tham dự, tôi thật ấn tượng với thành tích công tác và chiến đấu của bà Trần Thị Lành (bí danh Nguyễn Thị Quyền), sinh năm 1945, nguyên quán thôn An Trung, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, một cá nhân trong “Đội quân tóc dài” tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị.
Bà Trần Thị Lành tự hào với những tấm huân chương được tặng trong quá trình tham gia giải phóng quê hương
Bà Trần Thị Lành tự hào với những tấm huân chương được tặng trong quá trình tham gia giải phóng quê hương

50 năm sau ngày quê hương giải phóng, tôi tìm về những làng biển Gio Linh để lắng nghe câu chuyện đánh giặc, giữ làng của những con người dung dị nơi miền chân sóng này. Và thực may mắn, tôi lại được gặp và trò chuyện cùng bà Lành. Dòng ký ức của con người kiên trung xứ biển như từng đợt sóng vỗ bờ, khi ầm ào, cuồng nộ, khi lắng sâu, an lành đã khiến tôi không kịp sắp xếp theo trình tự câu chuyện. Thôi thì cứ để những lời tự sự của người trong cuộc lật giở từng trang theo tháng năm, ký ức của một thời chưa xa...

Chiến đấu với bao niềm tin

Bà Trần Thị Lành kể: "Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng chài lưới, chỉ quen với sông nước, gánh gồng, bán buôn. Bố mất sớm, ở với mẹ trong hoàn cảnh khó khăn của một gia đình vùng biển khi thiếu lao động chính là người đàn ông. Mặc dù phải giúp mẹ đi biển, chợ búa nhưng ở tuổi 16 tôi đã được các bác, các chú cơ sở cách mạng cho đi theo cùng và sau đó được phân công làm liên lạc ở thôn An Trung, xã Gio Hải. Mặc dù lập gia đình sớm nhưng sau quá trình thử thách, tu dưỡng, rèn luyện, tôi được cấp trên tin tưởng đề bạt làm tổ trưởng du kích và công an viên thôn vào năm 1964. Đến tháng 10/1965, một điều bất hạnh đến với tôi đó là anh Lê Văn Thể, chồng tôi hy sinh trong khi làm nhiệm vụ để lại cho tôi những đứa con còn nhỏ dại. Xót xa đau đớn bao nhiêu, tôi càng căm thù giặc bấy nhiêu, quyết biến đau thương thành hành động, thôi thúc tôi càng vững bước trên con đường cách mạng.
Được sự đùm bọc của người thân, bà con làng xóm, đồng chí, đồng đội, ban ngày tôi chăm chỉ buôn bán ngược xuôi, làm lụng nuôi con, đêm xuống lại hăng hái cùng du kích tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu với ý nguyện nung nấu trong tâm can là quyết trả thù cho người chồng thân yêu của mình. Từ năm 1966 -1968, tôi nhận nhiệm vụ là bí thư chi đoàn thanh niên thuộc Ban Chấp hành Xã đoàn Gio Hải, lúc này đang hoạt động bí mật trong vùng địch kiểm soát. Xác định là một đoàn viên, cánh tay đắc lực của Đảng, tôi và các đồng đội đã đạp bằng gian khó, vượt lên hoàn cảnh hiểm nguy, không nề hà và sẵn sàng hoàn thành bất cứ công việc gì khi cách mạng tin tưởng giao cho.

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân1968 của quân giải phóng trên khắp các vùng nông thôn, đô thị miền Nam, đánh thẳng vào sào huyệt địch ở đô thành Sài Gòn đã làm nức lòng quân dân cả nước. Nơi làng biển Gio Hải, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân đã tạo nên một khí thế cách mạng mới.

Đó cũng là năm tôi xông xáo cùng bà con tải thương binh về tuyến sau, mai táng liệt sĩ, gài mìn đánh xe tăng địch, tham gia nhiều trận đánh và thu nhiều thắng lợi nhất. Kỷ niệm khó phai mờ trong tôi thời điểm này đó là vào một đêm tháng 2/1968, tôi đã cứu sống anh bộ đội ta chiến đấu bị thương ngay trên bờ biển quê nhà. Tôi nhớ như in là đêm tháng 2 năm đó, tiếng súng giao tranh dữ dội từ đầu hôm đến sáng của hai phía rền vang không dứt. Là người phụ trách đội du kích tại địa bàn, tôi biết chắc chắn là bộ đội ta đang quần nhau với địch ở tại Thôn 3, xã Gio Hải. Mờ sáng hôm sau, tiếng súng vừa dứt, tôi gánh vàng lưới, giả làm người đi biển sớm, ra ngay hiện trường điều nghiên tình hình.

Cả một vùng chiến trận còn nồng nặc mùi thuốc súng, mùi tanh của máu và mùi cháy khét của cây cỏ. Lần theo vết máu và lối bò toài còn hằn trên cát ẩm, tôi phát hiện trong gốc cây phi lao già có anh bộ đội hải quân đang ẩn trú, hai chân bị đạn bắn gãy, nằm gần như bất tỉnh. Khi tôi tiến lại gần, anh bộ đội hé mắt nhìn và lấy hết sức bình sinh hô lớn: “Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược”. Tôi ôn tồn khuyên anh không được gây động tĩnh, cứ làm theo lời tôi.

Rồi tôi cuộn tròn anh trong vàng lưới tôi mang theo, bỏ vào thúng to, lồng gọn trong triêng gióng. Xong đâu vào đó, tôi đi tìm nhờ người làng đang cào lá dương gần đó tới, phủ thêm lá dương lên vàng lưới, cùng gánh băng qua trảng cát, vô một nhà thờ nói gấp là hai anh em đi biển từ sớm bị đạn Mỹ bắn trúng để họ sơ cứu cho và xin bộ áo quần dân thường mặc tạm. Sau đó chúng tôi tiếp tục gánh qua mắt được địch ở đồn Thôn 5, đưa thương binh lên động Ông Thuật. Ở đây là vùng du kích, bộ đội hoạt động mạnh theo thế “cài răng lược”, “da báo”, địch không dám mon men đến.

Anh bộ đội bị thương được ta tiếp nhận, cứu chữa. Về đến nhà, tôi hay tin địch tổ chức lùng sục gắt gao, những bến đò đi các nơi đều có lính địch tỏa xuống, vây kín, lục soát vì chúng dự đoán cơ sở cách mạng sẽ đưa ông Việt cộng bị thương đi Đông Hà hay Huế để chữa trị. Lùng sục chán không có kết quả, bao nhiêu cá mú, rau dưa của người dân không kịp chuyến chợ, để ươn thối phải trút đổ xuống sông trong sự căm giận của người dân làng biển. Trong lúc đó, thương binh ta đã được du kích Gio Hải đưa ra bến đò Tùng Luật, Vĩnh Linh an toàn.

Một đêm tháng 5/1968 sau trận bộ đội ta tập kích địch ở Nhĩ Hạ, Gio Linh, tôi cùng các đội viên du kích và dân làng kịp thời ra trận địa, thu dung hết thương binh về tập kết nơi bí mật. Đợi đêm xuống, chúng tôi, cứ hai người một, luồn lách qua các nơi địch không ngờ tới, vượt nhiều đồn bốt, tránh các đội hình càn quét, hành quân của địch, tổ chức cáng đến bờ sông Hiền Lương để đưa ra Vĩnh Linh trót lọt 16 thương binh.

Trong trận đánh ở Mai Hà, Gio Linh, có hai thương binh chưa cáng ra được vì thời điểm có trăng sáng, tôi đưa về hầm bí mật của nhà mình để chăm sóc, sau khi tương đối bình phục, thời cơ thuận lợi, du kích xã về đón để đưa bộ đội ta ra đến nơi an toàn. Cũng trong tháng 5 năm Mậu Thân, tôi trực tiếp chỉ huy du kích đánh thẳng vào đội hình của địch đang tiến hành càn quét địa bàn Cửa Việt bằng cách gài mìn chống tăng và bắn rát để địch phải cơ động trên đường. Kết quả, hai chiếc xe bọc thép M113 và 25 tên địch bị tiêu diệt...

“Bắn tau đi, đừng hỏi nhiều!”

Một bước ngoặt lớn lao trong cuộc đời tôi là vào đêm 30/5/1968, tại xóm Hóp, thôn Thủy Khê, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tôi đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuyên thệ dưới Đảng kỳ xong, tôi vội cầm súng, tạm biệt đồng đội để quay trở về quê hương công tác, chiến đấu ngay trong đêm. Trong lòng tôi khi ấy vừa bồi hồi, vừa vinh dự và tự hào nhận thấy từ đây, trách nhiệm của mình đối với cách mạng, với kháng chiến, với quê hương càng thêm trĩu nặng. Tôi lại lao vào một địa bàn khốc liệt nhất nơi tuyến đầu chống giặc ở Quảng Trị với một động lực và niềm tin sắt son về ngày quê hương sẽ được giải phóng.

Một ngày đầu tháng 8/1968, đúng 6 giờ sáng, theo như lệ thường, tôi đi trực “hòm thư mật”. Khi lấy thư mật quay về, tôi mang theo một ôm rau, môn làm thức ăn cho lợn và giấu thư mật trong đó. Khi vừa bước chân vào sân nhà, tôi bất ngờ thấy hai tên mật vụ mang áo quần đen đang ngồi đợi. Thấy tôi, chúng bật dậy, thét lớn: “Về gặp xã trưởng nhanh lên!”. Nhận thấy tình hình bất lợi nhưng tôi vẫn bình tĩnh tìm cách hòa hoãn để đối phó: “Cho tui ăn chén cơm rồi đi mô thì đi”. Nói rồi tôi ôm cả bó rau, môn vào trong nhà, vần nồi khoai chen bên bếp ra, múc một tô khoai chen đầy và nhanh tay đưa 3 lá thư mật ép sát vào thành nồi (loại nồi ba bằng đồng có eo ở giữa).

Xong đâu đó, tôi nuốt vội mấy miếng khoai chen, đến xốc nách đứa con nhỏ và bị địch đưa lên đồn Cồn Tồng. Từ đây, những ngày tra khảo, đòn roi bắt đầu. (Sau này, mẹ tôi kể lại, khi nghe con bị bắt, mẹ vào bếp xới khoai ra để nấu cơm bới cho con và thấy 3 bức thư mật trong đó. 3 bức thư này, mẹ tôi đã trao tận tay cho 3 đồng chí bí thư chi bộ để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo phong trào).

Vào đến đồn Cồn Tồng, tôi láng máng biết là do bị chỉ điểm nhưng địch chỉ biết chung chung là tôi có tham gia nuôi giấu cán bộ, bộ đội, tiếp tế cho cách mạng nhưng chứng cớ không có. Do vậy, địch hỏi gì tôi cũng lắc đầu không biết. Trước khi vào hỏi cung, do con tôi còn nhỏ, lại khóc ngằn ngặt, nên địch bảo ra phía bên ngoài dỗ con cho nín rồi vào sau.

Được dịp, tôi bồng con tha thẩn, tới lui và cố ghi vào trong đầu mình cách địch bố phòng trong đồn, từ hệ thống giao thông hào, nơi đặt súng đại liên, nơi tập kết quân, nơi kho đạn, hậu cần (sau này trở về, chính sơ đồ do tôi phác thảo lại, bộ đội đặc công và du kích địa phương đã nghiên cứu, trinh sát, đánh một trận dứt điểm “xóa sổ” luôn đồn này, mở một hướng thuận lợi để ta tổ chức lực lượng áp sát, đánh tan tàu địch trên sông Cửa Việt).

Sau khi đưa con tôi cho một người dân làng cùng bị bắt về giao lại cho mẹ tôi, địch ở đồn Cồn Tồng tập trung tra tấn tôi hết sức dã man. Chúng đánh tôi chết đi sống lại nhiều lần nhưng không lấy được ở tôi một thông tin nào. Có lần tên đồn trưởng giả giọng nhân nghĩa nói với tôi: “Khai đi, để còn sống mà về với con nhỏ, với gia đình”. Tôi bình thản thách thức: “Bắn tau đi, đừng hỏi nhiều!”. Bất lực, chúng đưa tôi vào giam ở Chi cục cảnh sát Đông Hà. Sau một tháng giam cầm tại đó, thấy không có lý do gì để giữ tôi nữa, chúng phải trả tự do cho tôi...

Về địa phương, tôi lại lao vào cuộc chiến đấu mới chống địch càn quét, gài mìn diệt lính bộ binh, phá máy thông tin, đốt cháy xe tăng... Năm 1971 trong một trận chiến đấu, tôi bị bom vùi dập, bị thương ở sườn phải và lưng. Vừa lành vết thương, tôi quay trở lại vị trí của mình tiếp tục chiến đấu cho đến ngày quê hương Gio Linh, quê hương Quảng Trị sạch bóng quân thù...

Những ngày an lành

Sau ngày giải phóng thành phố Huế, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, lúc bấy giờ tôi đảm nhiệm chức vụ là ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh, được cử làm phó đoàn, tổ chức đoàn trên 100 cán bộ vào tiếp quản thành phố Huế. Được một thời gian, do công tác xa nhà, con còn nhỏ, tôi đề đạt nguyện vọng về công tác tại địa phương và được chấp thuận. Về lại quê nhà, tôi làm Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gio Linh, rồi Ủy viên Thường vụ trực Hội LHPN huyện Bến Hải. Năm 1984 tôi về làm Chủ tịch Hội LHPN xã Gio Việt suốt 13 năm. Hiện nay tôi là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tù chính trị yêu nước huyện Gio Linh, Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước thị trấn Cửa Việt"...

Khi tìm gặp bà Lành giờ đang ở với con cháu tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tôi cũng không bất ngờ gì lắm đâu. Vẫn dáng người dong dỏng cao, nụ cười hiền, như tôi từng gặp ngót hơn 20 năm trước, giờ bồng cháu, đón tôi dưới góc bầu chi chít quả, màu xanh giàn bí, giàn bầu làm mát rượi cả một vùng cát trắng. Ngồi trước mặt tôi đây, người chỉ huy du kích vùng địch hậu gan dạ có tiếng, người thương binh với thương tật đầy mình, người cán bộ phong trào mẫu mực lại tỉ mẫn pha ấm nước chè mời tôi, thong thả và an nhàn như đã làm xong những việc lớn, như đã trút được những cam go của đường xa, gánh nặng trong đời.

Mang chiếc áo dài đẹp ra, cùng tôi gài những tấm huân chương lên ngực để chuẩn bị cho ngày hội lớn, mỗi tấm huân chương như là mỗi bước trưởng thành trong chiến đấu, công tác của bà, lại càng như một viên gạch nhỏ lát trên dặm đường trường chinh giải phóng quê hương. Này đây, 1 Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 1 Huân chương giải phóng hạng Nhất, 1 Huân chương chiến công hạng Nhất, 7 danh hiệu dũng sĩ diệt xe cơ giới, 1 danh hiệu dũng sĩ Đường 9, 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng...

Hiện giờ, bà dồn tâm sức cho công tác củng cố tổ chức hội tù chính trị yêu nước của thị trấn Cửa Việt, xây dựng kế hoạch hoạt động thường niên nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, luôn phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày, đó là: “Kiên cường, bất khuất, tình nghĩa, thủy chung” và luôn giữ trọn mãi niềm tin với Đảng, chung lòng xây dựng quê hương.

Khi tôi ướm hỏi bà về cảm xúc trong dịp 50 năm quê hương Quảng Trị giải phóng, bà nở nụ cười thật hiền và cho biết, giữa những bất ổn ở một số nơi trên thế giới như bây giờ, mới thấy những năm tháng an lành trên quê hương chúng ta hôm nay thật quý giá đến nhường nào. Bà có hỏi lại tôi bao giờ thì đường xuyên Á được mở rộng, cảng Cửa Việt được nâng cấp, cả một dặm dài vùng cát quê hương bà bao lâu nữa sẽ trở thành một đô thị ven biển hiện đại và năng động...

Trong bà, sự đổi mới của vùng cát quê hương cứ mãi thao thức trong lòng như hơn nửa thế kỷ trước, bà cầm súng, bám vùng địch hậu và luôn mơ một giấc mơ ngày quê hương giải phóng...

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Hội Phụ nữ
hình ảnh
Văn bản mới

24/HD-BTV

HƯỚNG DẪN Công tác tuyên truyền, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Thời gian đăng: 17/10/2023

lượt xem: 246 | lượt tải:13
Liên kết Website
Dự án 8
bình đẳng giới
facebook HPN
Thống kê
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay6,362
  • Tháng hiện tại187,484
  • Tổng lượt truy cập4,360,025
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây