Chi hội trưởng phụ nữ tiêu biểu ở Bản Chùa

Thứ ba - 19/07/2022 22:12
Bản Chùa, xã Cam Tuyền là bản đồng bào dân tộc Vân Kiều duy nhất ở huyện Cam Lộ. Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, người dân nơi đây đã tích cực chịu khó làm ăn, thay đổi tập quán canh tác phát, đốt, cốt, trỉa trước đây sang đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống ngày càng được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giả. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của chi hội trưởng phụ nữ Hồ Thị Bê.
Chị Hồ Thị Bê (ngoài cùng bên trái) trong nhóm hộ liên kết trồng cây dược liệu ở Bản Chùa
Chị Hồ Thị Bê (ngoài cùng bên trái) trong nhóm hộ liên kết trồng cây dược liệu ở Bản Chùa

Chị Bê năm nay 34 tuổi nhưng có hơn 12 năm làm Chi hội trưởng phụ nữ Bản Chùa. Làm phong trào ở cơ sở vốn đã khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số càng khó khăn bội phần do đường sá đi lại, địa bàn rộng, dân cư thưa, đa số nhận thức, hiểu biết của người dân còn hạn chế, thu nhập thấp… Nhận thức được vấn đề này, kể từ khi được chị em hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ Bản Chùa, chị Bê không ngừng học tập, tìm hiểu kinh nghiệm từ các chị trong Ban Chấp hành Hội LHPN xã Cam Tuyền về công tác phụ nữ, đặc biệt trong cách tuyên truyền, vận động chị em hội viên thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua của hội phát động. Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Cam Tuyền Nguyễn Thị Thùy Thương, chị Bê là cán bộ hội ở cơ sở nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn của một bản dân tộc thiểu số nhưng chị đã linh hoạt, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động hội viên. Trong lao động sản xuất, chị luôn chịu khó, dám nghĩ, dám làm, biết vươn lên làm giàu chính đáng.

Những năm đầu mới được bầu làm chi hội trưởng, gia đình chị Bê cũng thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu từ mấy sào sắn và ruộng lúa nhưng rất bấp bênh do phụ thuộc vào thời tiết. Với suy nghĩ, mình là đảng viên, chi hội trưởng còn trẻ, phải biết vươn lên, phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm để cải thiện cuộc sống, trước cho gia đình nhưng sau đó là dân bản, chị đã vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế. Từ vốn vay và một ít tiền dành dụm được, chị đầu tư mở một quầy hàng tạp hóa ngay tại gia đình. Cứ mỗi tuần một lần, chị chạy xe máy ra chợ huyện mua hàng về bán cho người dân trong bản. Số tiền lời cũng đủ chi phí ăn uống cho gia đình hằng ngày. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chị trồng 5 ha rừng, chăn nuôi gia cầm và thực hiện chuyển đổi 4 sào diện tích đất trồng sắn hiệu quả thấp sang trồng cây chè vằng theo phương pháp thâm canh phủ bạt ni lông. Dần tích lũy được vốn, chị Bê tiếp tục vay thêm tiền mua một xe tải để chồng vận chuyển nông sản cho dân bản. Với sự nỗ lực của mình, năm 2013, gia đình chị Bê là một trong những hộ thoát nghèo đầu tiên ở Bản Chùa. Đến nay, tổng thu nhập của gia đình chị lên gần 150 triệu đồng/năm.

Từ khi kinh tế gia đình ổn định, việc tham gia hoạt động xã hội của chị thuận lợi hơn. Các phong trào, công việc của hội được chị Bê tuyên truyền, vận động chị em đều tích cực hưởng ứng. Đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu trước đây. Đến nay, người dân Bản Chùa đã có trên 120 ha rừng, 2 ha chè vằng, chăn nuôi trâu bò trên 100 con. Về cơ bản hầu hết các hộ dân đều có nhà ở ổn định, trong số 55 gia đình hội viên phụ nữ thì có gần 20 hộ đã thoát nghèo.

Phần thưởng xứng đáng cho sự cần cù, chịu thương chịu khó của chị không chỉ là kinh tế gia đình ngày càng ổn định, con cái được đến trường mà hơn cả là cuộc sống của phụ nữ ở Bản Chùa đang đổi thay từng ngày, ấm no và hạnh phúc hơn. Chị Bê chia sẻ: “Tôi thường xuyên gặp, trao đổi để nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng hội viên, quan tâm giúp đỡ những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bây giờ thấy nhiều hội viên có thu nhập khá ổn định từ cây chè vằng, cao su, rừng, chăn nuôi trâu bò, tôi thấy rất phấn khởi và tự hứa với bản thân là phải cố gắng tuyên truyền, vận động hơn nữa để ngày càng có nhiều hộ thoát nghèo, cùng nhau góp sức xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Hội Phụ nữ
hình ảnh
Văn bản mới

24/HD-BTV

HƯỚNG DẪN Công tác tuyên truyền, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Thời gian đăng: 17/10/2023

lượt xem: 246 | lượt tải:13
Liên kết Website
Dự án 8
bình đẳng giới
facebook HPN
Thống kê
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay6,411
  • Tháng hiện tại187,533
  • Tổng lượt truy cập4,360,074
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây