Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thúy Nga cho biết: “Phong trào thi đua yêu nước đã được Hội LHPN tỉnh cụ thể hóa bằng phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Điểm khác biệt trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn này so với giai đoạn trước là các cấp hội chú trọng tính toàn diện, tính liên kết của điển hình. Đồng thời, coi trọng tính chủ động của từng địa phương, đơn vị, cá nhân, lấy kết quả đầu ra làm thước đo chất lượng của các phong trào thi đua. Hội LHPN thực hiện vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy để hội viên, phụ nữ phát huy nội lực, sức sáng tạo, nhờ vậy đã kích thích tính chủ động, sáng tạo trong hội viên, phụ nữ, tính bền vững của các điển hình, mô hình được đảm bảo và phong trào thi đua đi vào thực chất hơn”.
Xác định nâng cao trình độ, năng lực cho phụ nữ là nhu cầu cần thiết để đáp ứng yêu cầu trong công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế và đổi mới của đất nước, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tâp, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” tiếp tục được các cấp hội triển khai gắn với thực hiện 2 cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện 4 phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hằng năm, có 100% cán bộ, hội viên và trên 85% phụ nữ được học tập, quán triệt nội dung phong trào thi đua. Mỗi địa phương, đơn vị đã có sự vận dụng một cách sáng tạo, hiệu quả các phong trào thi đua. Các mô hình tiết kiệm theo gương Bác cũng được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh triển khai thực hiện, tiêu biểu như mô hình “Heo đất tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Hũ gạo vì phụ nữ nghèo”, “Ngân hàng con giống”, “Sạch từ nhà ra ngõ”, “Thắp sáng đường quê”, “Đoạn đường tự quản”, “Nuôi dạy con tốt”…
Thực hiện phong trào thi đua yêu nước, các cấp hội LHPN trong tỉnh còn đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sáng tạo, đóng góp hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương. Thông qua việc thực hiện Đề án về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp như tập huấn kiến thức, kỹ năng về lập kế hoạch phát triển sản xuất, quản trị kinh doanh, đối thoại chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế, tư vấn nghề, việc làm cho hàng nghìn phụ nữ là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh; lao động của doanh nghiệp (DN), nữ chủ DN vừa, nhỏ; hội viên, phụ nữ trong các DN; phụ nữ nông thôn... Qua 5 năm thực hiện, hội đã giúp đỡ gần 35.000 lượt phụ nữ nghèo, gần 20.000 lượt phụ nữ chủ hộ nghèo, kết quả đã có 4.066 hộ thoát nghèo, từ đó góp phần quan trọng giảm tỉ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh… Song song với thi đua phát triển kinh tế, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, là lực lượng nòng cốt để bảo vệ tổ ấm gia đình, chị em luôn chăm lo nuôi dạy con tốt, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Qua thực hiện phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Điển hình như chị Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh đã cụ thể hóa nhiệm vụ tham gia xây dựng NTM bằng những mô hình, việc làm thiết thực như: Mô hình phân loại rác thải, đường hoa yêu thương, tổ phụ nữ không có phụ nữ nghèo... Chị Hồ Thị Tâm, Chi hội trưởng phụ nữ khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương, TP. Đông Hà với mô hình heo đất tiết kiệm để tặng làm phương tiện cho phụ nữ nghèo... Đặc biệt, từ trong khó khăn, một số hội viên, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số thể hiện tính tự lực, sáng tạo và ý chí vươn lên bằng việc thành lập tổ xe kéo dịch vụ vận chuyển hàng hóa trên khu vực cửa khẩu của phụ nữ bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa; hay mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản để tạo nguồn vốn quay vòng từ chính trong phụ nữ xã Tà Rụt, huyện Đakrông…
Với chủ đề “Chung tay hành động vì phụ nữ nghèo, vì môi trường xanh, sạch, đẹp”, trong năm 2021, Hội LHPN tỉnh đã phát động đợt thi đua “Xây dựng công trình, phần việc vì phụ nữ nghèo, vì môi trường xanh, sạch, đẹp chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026”. Kết quả, đã có 260 công trình, phần việc do các cấp hội, hội viên, phụ nữ đăng ký và triển khai thực hiện. Trong đó, có 2 công trình, phần việc được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao giải gồm: Mô hình làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em và lớp học xóa mù cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Hưởng ứng chủ trương của BTV Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về thi đua chào mừng các ngày lễ lớn năm 2022, Hội LHPN tỉnh phát động trong cán bộ, hội viên phụ nữ tiếp tục hưởng ứng thi đua “Xây dựng công trình, phần việc vì phụ nữ nghèo, vì môi trường xanh, sạch, đẹp”.
“Trong thời gian tới, các cấp hội tiếp tục quan tâm triển khai phong trào thi đua yêu nước, chú trọng hơn về tính thiết thực, cụ thể và nâng tầm bằng phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Quảng Trị thời đại mới có kiến thức, có đạo đức, có sức khỏe, yêu nước, nghĩa tình, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng việc cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, các hoạt động, các mô hình để phát động trong hội viên, phụ nữ. Trong đó sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu như: Nâng cao kiến thức, kỹ năng mọi mặt, nâng cao năng lực giảm nghèo, sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ”, bà Trần Thị Thúy Nga cho biết thêm.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn