Hội LHPN tỉnh tổ chức hội thi về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới - Ảnh: V.T.H
Một trong những nội dung được Hội LHPN tỉnh chú trọng trang bị cho các đối tượng trực tiếp thực hiện công tác bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh là phòng, chống xâm hại tình dục (XHTD) đối với trẻ em. Theo báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (2/2020), từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2019, cả nước xảy ra 6.364 vụ việc XHTD trẻ em với 6.432 trẻ em là nạn nhân; 86,85% thủ phạm xâm hại tình dục là người quen, có mối quan hệ với trẻ.
Trong đó, hàng xóm 59,4%; người quen của gia đình 21,3%; giáo viên, nhân viên nhà trường 6,15%. Qua đó cho thấy, vấn đề XHTD trẻ em đang là vấn đề nhức nhối đối với gia đình và xã hội và đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật rất phức tạp cần phải đề cao cảnh giác trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Do đó, mục tiêu công tác tuyên truyền, tập huấn là trang bị cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS&MN những hiểu biết về quan niệm sai lệch về giới, khuôn mẫu giới và những kiến thức về pháp luật, cách thức bảo vệ trẻ em trước các mối nguy hại về XHTD trẻ em như: Luật Trẻ em năm 2016; giới và bạo lực trên cơ sở giới; các hình thức xâm hại trẻ em; một số hiểu lầm về XHTD trẻ em; các nguyên tắc hỗ trợ luật pháp, các khó khăn, nguyên tắc và lưu ý trong quá trình hỗ trợ. Ngoài ra, lớp tập huấn còn trang bị kiến thức về sơ cứu tâm lý, kỹ năng phát hiện khi trẻ em bị XHTD...
Bạo lực trên cơ sở giới là mọi hành động dẫn đến, hoặc có khả năng dẫn đến những tổn hại về tinh thần, thân thể hoặc tình dục đối với người khác xuất phát từ những định kiến giới hoặc các kỳ vọng xã hội liên quan đến vai trò giới. Luật Trẻ em năm 2016 quy định 25 quyền trẻ em và 4 nhóm quyền, đảm bảo tương thích với quyền trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em và phản ánh đầy đủ các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp.
Các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện đối với trẻ em như: tước đoạt quyền sống của trẻ em; bỏ rơi, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn; sử dụng, rủ rê, kích động, lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình; kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân; bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.
Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ; đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em; từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm.
Tất cả các nội dung trên được các lớp tập huấn về phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới đối với trẻ em do Hội LHPN tỉnh tổ chức đề cập đến nhằm nâng cao năng lực, kiến thức thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Các phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em cần quan tâm thực hiện trong nhiệm vụ bảo vệ trẻ em có 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Trong đó, phòng ngừa là yếu tố quan trọng nhất để tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng, gia đình, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em...
Cấp độ hỗ trợ là trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột... nhằm kịp thời phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em. Cảnh báo về nguy cơ trẻ bị xâm hại, tiếp nhận thông tin, đánh giá mức độ nguy hại, áp dụng các biện pháp cần thiết. Khi trẻ em bị xâm hại thì thực hiện cấp độ can thiệp, hỗ trợ, chăm sóc, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em... Nhận diện các hình thức xâm hại, quấy rối tình dục trẻ em để có biện pháp giải cứu kịp thời.
Hệ thống luật pháp bảo vệ trẻ em bị XHTD và việc bảo vệ trẻ em, ứng phó với xâm hại trẻ em là trách nhiệm của gia đình, các cơ quan, đơn vị hữu quan, tổ chức hội và toàn xã hội. Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em chỉ rõ: Nhà nước phải bảo vệ trẻ em chống lại sự xâm hại và bóc lột tình dục, kể cả mại dâm và việc trẻ em liên quan đến văn hóa phẩm khiêu dâm (Điều 34).
Nhà nước phải bảo vệ trẻ em chống lại tất cả các hình thức ngược đãi của cha mẹ hay của những người khác chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ em và phải lập ra những chương trình xã hội thích hợp để ngăn ngừa sự xâm hại tình dục và điều trị cho nạn nhân (Điều 19).
Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm rằng những trẻ em là nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang, tra tấn, xao nhãng, bóc lột, hay ngược đãi, được điều trị thích đáng để có thể phục hồi và hòa nhập trở lại xã hội (Điều 39). Hiến pháp năm 2013: “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” (Điều 37).
Cán bộ phụ nữ cơ sở tham gia các lớp tập huấn ngoài nắm vững kiến thức, kỹ năng bảo vệ, giáo dục trẻ, còn thông qua đó thấy rõ được trách nhiệm của các bậc cha, mẹ, chính quyền địa phương, các tổ chức bảo vệ trẻ em, các kỹ năng hướng dẫn trẻ thoát khỏi tình huống có khả năng dẫn tới bị XHTD; các bước thực hiện hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị XHTD.
Việc trang bị kiến thức cho đối tượng làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống XHTD trẻ em, bảo vệ trẻ em được an toàn và giúp trẻ tự bảo vệ chính mình để trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Võ Thái Hòa
Những tin cũ hơn