-Thưa bà! Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” không chỉ tạo động lực về ý chí cho phụ nữ biên giới vươn lên mà còn tạo sinh kế, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Đề nghị bà cho biết những kết quả đạt được của chương trình ý nghĩa này?
- Chương trình này đã làm đổi thay mạnh mẽ cuộc sống cho nhiều gia đình phụ nữ ở vùng biên giới. Việc đồng hành không chỉ tạo động lực, tiếp sức để phụ nữ có ý chí vươn lên mà còn tạo cơ hội cho phụ nữ vùng biên giới có sinh kế, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo... góp phần bảo vệ vững chắc vùng biên giới.
Qua 4 năm triển khai thực hiện chương trình (từ 2018 đến nay) tại 8 xã biên giới thuộc 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, Hội LHPN tỉnh và Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh đã kêu gọi, vận động các nguồn lực tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: tặng công trình dân sinh, mô hình sinh kế, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nâng cao kiến thức cho người dân, tặng quà nhân các dịp lễ, Tết. Tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết - Tết biên cương”, “Xuân biên cương -Thắm tình yêu thương” ; “Xuân biên cương - Ấm lòng dân bản”; tổ chức gian hàng bình ổn giá, chiến dịch khám chữa bệnh cho hội viên, phụ nữ nghèo…; chăm lo tết cho người dân; hỗ trợ mái ấm tình thương, tặng quà cho hội viên phụ nữ nghèo và học bổng cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn và con em cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang công tác tại các địa bàn biên giới. Tổng cộng có 24 mái ấm tình thương; 34 công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; 185 con bò giống, dê giống, gần 5.000 suất quà đã được trao cho hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và 4 giếng khoan phục vụ cộng đồng với tổng số tiền ước tính 7,2 tỉ đồng.
Cùng với sự hỗ trợ về vật chất, công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, nâng cao kiến thức, kỹ năng phù hợp với năng lực, trình độ, nhu cầu và những vấn đề phụ nữ quan tâm cũng được chúng tôi chú trọng. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của phụ nữ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung vào các nội dung về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, phòng chống mua bán người, phòng chống bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xâm hại phụ nữ, trẻ em…
Với phương châm trao cho người dân chiếc “cần câu” và hướng dẫn họ cách “câu con cá” hiệu quả chương trình đã thắp lên ngọn lửa cho vùng biên, góp phần xây dựng nông thôn mới miền núi ngày càng khởi sắc, giữ gìn an ninh, biên giới quốc gia.
-Ngoài các mô hình phát triển KT-XH, chương trình còn huy động sức dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, bảo đảm an ninh - trật tự tại địa bàn. Bà có thể cho biết rõ hơn về nội dung này?
-“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chương trình đã góp phần nâng cao kiến thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ vùng biên giới về công tác xây dựng hội vững mạnh; nâng cao nhận thức về pháp luật, công tác đối ngoại, phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội; tham gia tích cực phong trào thi đua, các cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm của hội. Chương trình đã tiếp sức để hội viên phụ nữ có ý chí vươn lên, tạo cơ hội cho phụ nữ vùng biên giới có sinh kế, giải quyết việc làm; tự tin, mạnh dạn, từng bước cải thiện đời sống, xóa nghèo và vượt lên khó khăn, làm chủ cuộc sống. Chương trình đã thúc đẩy, phát huy hơn nữa vai trò của hội viên, phụ nữ và người dân trong bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Thực tế nhiều năm qua, sự đóng góp của phụ nữ biên giới vào nội dung bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia luôn được các cấp, ngành, chính quyền địa phương đánh giá cao.
-Tuy vẫn còn những khó khăn nhưng “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là một chương trình thiết thực, ý nghĩa. Theo bà đâu là những yếu tố góp phần tạo nên thành công của chương trình này?
-Để thực hiện có hiệu quả chương trình, trước hết các cấp hội tuân thủ sự chỉ đạo của hội cấp trên, cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và Hội LHPN một số tỉnh, thành phố như: Học viện Phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh... cũng như sự nỗ lực, tích cực của toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh.
Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo rà soát, nắm chắc nhu cầu và xác định nội dung nhiệm vụ cần tập trung triển khai phù hợp với đặc thù địa bàn và đối tượng, trong đó ưu tiên trước hết là hỗ trợ Hội LHPN xã triển khai các hoạt động thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp đề ra; nâng cao năng lực cho cán bộ hội và nhận thức cho hội viên phụ nữ. Hỗ trợ nguồn lực tiếp sức cho phụ nữ xây dựng các mô hình sinh kế, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Một nội dung quan trọng nữa là tích cực vận động nguồn lực, huy động sự chung tay góp sức của cả cộng đồng và cán bộ, hội viên phụ nữ; giao chỉ tiêu cho Hội LHPN các cấp phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm và sẻ chia trong hệ thống hội và hội viên phụ nữ để triển khai chương trình.
-Kế hoạch tiếp tục phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các cơ quan, đơn vị khác để thực hiện chương trình thời gian tới như thế nào, thưa bà?
-Từ kết quả và kinh nghiệm triển khai chương trình thời gian qua, chúng tôi xác định: Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Hội LHPN và BĐBP trong thực hiện chương trình, huy động sự chung sức của các đơn vị được trung ương phân công đồng hành, các tổ chức, cá nhân hảo tâm, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các địa phương trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ những xã thuộc chương trình nói riêng và phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới nói chung.
Tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN và Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” gắn với triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trọng tâm là Dự án số 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”.
Chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả và thực chất phong trào thi đua: “Xây dựng người phụ nữ Quảng Trị thời đại mới có kiến thức, có đạo đức, có sức khỏe, yêu nước, nghĩa tình, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” và nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã đề ra. Trong đó tiếp tục ưu tiên các nhiệm vụ, giải pháp vừa sức và phù hợp với đặc thù, địa bàn các xã miền núi, biên giới và phù hợp với nhu cầu của phụ nữ dân tộc thiểu số.
-Xin cảm ơn bà!
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn