Cùng với việc ban hành các văn bản, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã có phiên làm việc với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của các đơn vị chỉ đạo điểm. Qua khảo sát thực tế địa phương, Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức lễ ra mắt 12 mô hình điểm gồm 4 câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 4 mô hình “Địa chỉ tin cậy” và 4 mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” tại 4 xã đã lựa chọn trên.
Tại buổi lễ ra mắt các mô hình, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ các vật dụng thiết yếu để vận hành các mô hình, CLB điểm với tổng trị giá 52 triệu đồng. Trên cơ sở hướng dẫn của tỉnh, đến nay hội LHPN các huyện thuộc Dự án 8 xây dựng kế hoạch, triển khai thành lập các mô hình, CLB tại đơn vị mình đảm bảo kịp thời, chất lượng, hiệu quả.
Bước đầu thành lập được 1 “Địa chỉ tin cậy”, 18 “Tổ truyền thông cộng đồng” với 442 thành viên tại các xã của các huyện Hướng Hóa, Gio Linh, Vĩnh Linh. Các mô hình, hoạt động của dự án đã được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” gồm 30 thành viên là các em học sinh tại các trường TH & THCS có độ tuổi từ 11 -16 tuổi. CLB hoạt động theo quy chế dưới sự điều hành dẫn dắt của dẫn trình viên và ban chủ nhiệm CLB.
Các thành viên CLB sẽ là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối trẻ em vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ chính quyền cùng các ban, ngành, địa phương, nhà trường và cha mẹ thực hiện tốt việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Mô hình “Địa chỉ tin cậy” do UBND xã ban hành quyết định thành lập mô hình và ban điều hành. Tùy tình hình thực tế địa phương, mỗi địa chỉ có 15- 28 thành viên.
Mô hình tổ chức các hoạt động tự giúp nhau trong thành viên mô hình hoặc hỗ trợ cộng đồng: hỗ trợ người bị bạo lực thông qua cung cấp chỗ tạm lánh, sơ cứu, chuyển gửi và ổn định tâm lý người bị bạo lực cũng như có nhiệm vụ hỗ trợ, kết nối người bị bạo lực tới các dịch vụ an sinh xã hội khác tại địa phương, nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực ở cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của người dân và hội viên phụ nữ.
Đối với mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” được thành lập tại các thôn, bản, khu dân cư có từ 7-10 thành viên.
Tùy theo địa bàn, đơn vị, tình hình thực tế của từng địa phương, mỗi địa phương cơ cấu thành phần, số lượng khác nhau nhằm tuyên truyền, truyền thông hội viên phụ nữ, những người có khả năng tuyên truyền vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục lạc hậu và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Cùng với việc tổ chức ra mắt các mô hình, Hội LHPN tỉnh mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, các kỹ năng hỗ trợ nạn nhân và vận hành địa chỉ tin cậy; hướng dẫn lập kế hoạch tổ chức sự kiện truyền thông, tổ chức sinh hoạt cho thành viên nhóm truyền thông và hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, giáo dục kỹ năng sống, truyền thông mẫu về bình đẳng giới trong làm việc nhà cho hơn 1.400 lượt người là thành viên của các mô hình, CLB và người dân trong cộng đồng.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà nhấn mạnh, để các mô hình hoạt động hiệu quả, bền vững và được nhân rộng, lan tỏa tại địa phương, đề nghị cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để tổ truyền thông và địa chỉ tin cậy hoàn thành nhiệm vụ, nhằm từng bước thay đổi nhận thức, thúc đẩy phòng, chống bạo lực gia đình và lồng ghép giới trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương.
Năm 2023, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn hội LHPN các huyện thuộc Dự án 8 đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng trên các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp từ tỉnh đến cơ sở.
Chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS, nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho già làng, trưởng bản, người có uy tín.Tổ chức các cuộc đối thoại chính sách ở cấp xã và cụm thôn bản đặc biệt khó khăn.
Tổ chức các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; tổ chức hội thi, liên hoan chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình sáng tạo, hiệu quả góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em tại vùng đồng bào DTTS &MN.
Tác giả bài viết: Huyền Trang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn