Theo số liệu báo cáo của 33/52 Ban Dân tộc các tỉnh, tính từ tháng 7/2019 đến hết tháng 7/2021, tổng số trẻ em bị xâm hại là 1.087 em. Số trẻ em dân tộc thiểu số bị xâm hại theo thống kê của 9/52 tỉnh là 188 em. Số trẻ em và độ tuổi của trẻ em dân tộc thiểu số bị xâm hại theo từng hình thức gồm: bạo lực 110 em, bóc lột 11 em, xâm hại tình dục 567 em, mua bán 3 em, bỏ rơi và bỏ mặc trẻ em 71 em, các hình thức gây tổn hại khác 47 em.
Có thể thấy, tình hình xâm hại trẻ em nói chung và trẻ em vùng dân tộc thiểu số nói riêng vẫn diễn biến phức tạp. Trong những năm gần đây tuy có giảm, song số vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện, xử lý vẫn còn cao. Tại huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị, những vụ việc bạo lực, xâm hại không có xu hướng giảm mà ngày càng tăng, điển hình trong năm qua có 02 vụ xâm hại trẻ em tại xã Tà Long và thị trấn Krông KLang.
Các vụ việc xâm hại xảy ra tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, một số vụ việc người thân không dám tố cáo hành vi, vi phạm pháp luật. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em do chính người thân trong gia đình thực hiện, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương, vi phạm nghiêm trọng đạo đức lối sống và truyền thống văn hóa. Phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số không chỉ chịu thiệt thòi trong gia đình, xã hội, các điều kiện cơ bản của cuộc sống trên cơ sở những quan niệm lạc hậu mang tính định kiến giới mà còn phải cam chịu bạo lực trên cơ sở giới.
Hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đối với việc chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt, học tập của trẻ em. Dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.Trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại trên môi trường mạng ngày càng tăng, nguy cơ trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi bị gián đoạn việc học tập do không đủ điều kiện học tập trực tuyến, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng bị hạn chế. Chính vì vậy việc phòng ngừa, hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em hơn lúc nào hết cần được triển khai thực hiện quyết liệt và có hiệu quả.
Tại huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị), trong thời gian qua được sự hỗ trợ của Tổ chức Plan, Hội LHPN huyện đã triển khai nhiều chương trình hiệu quả liên quan đến phụ nữ và trẻ em như: Dự án Phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết; Dự án chăm sóc và phát triển trẻ thơ - Hội đã lập được 44 nhóm bà mẹ có con nhỏ ở độ tuổi từ 0 đến 10 tuổi, sinh hoạt 2 lần /tháng tập trung theo các chủ đề về chăm sóc và phát triển trẻ thơ. Hội đã truyền thông kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng ngừa kết hôn sớm, phòng ngừa xâm hại tình dục, các kỹ năng phòng tránh với 56 cuộc cho 1.680 bà mẹ và trẻ em. Thành lập 22 CLB “Làm cha mẹ” với 339 thành viên. CLB “Làm cha mẹ” sinh hoạt 1 quý 1 lần với nhiều nội dung xoay quanh các vấn đề phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình, phối hợp y tế nói chuyện chuyên đề, ký cam kết của các hộ gia đình tham gia CLB; tổ chức các hội thi tại các cụm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; tham gia giải quyết đơn thư khiếu kiện của hội viên, phụ nữ với các vấn đề liên quan, thăm, hỗ trợ, động viên các em bị bạo lực, xâm hại rất kịp thời. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện tổ chức đăng ký, thực hiện tốt cuộc vận động “ Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đặc biệt với tiêu chí “Không bạo lực gia đình” năm 2021 đạt 6.580/7526 hội viên, phụ nữ đăng ký thực hiện; huyện đã xây dựng điểm 01 mô hình “Thôn an toàn với với phụ nữ và trẻ em” tại xã A Bung; thành lập 48 nhóm cha mẹ có con từ 0-10 tuổi, sinh hoạt 2 lần/tháng với các nội dung như bảo vệ và tăng cường sự tham gia của trẻ, tình yêu thương và sự phát triển của trẻ, ứng xử của cha mẹ khi trẻ hư, bảo vệ trẻ đề phòng xâm hại tình dục...
Đến nay, việc triển khai thực hiện lồng ghép các nội dung về quyền trẻ em, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em của Hội LHPN huyện Đakrông đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác này. Đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, trẻ em của huyện từng bước được cải thiện. Hội LHPN huyện đã đưa ra những giải pháp phù hợp thiết thực với địa phương nhằm để trẻ em gái dân tộc thiểu số được gia đình và xã hội quan tâm hơn cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò trẻ em đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương;
Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em; trang bị kịp thời kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục phối hợp với các chương trình, dự án truyền thông, thành lập các mô hình về phòng chống xâm hại trẻ em; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Trẻ em và các chính sách, quy định liên quan đến trẻ em, quyền trẻ em. Phổ biến thông tin, kiến thức và kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó tập trung một số chủ đề: phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ tại gia đình và cộng đồng; giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em thông qua cha mẹ, trẻ em; huy động sự tham gia của trẻ; chăm sóc sức khỏe, vệ sinh và dinh dưỡng cho trẻ, kiến thức chăm sóc phát triển toàn diện trẻ thơ tại cộng đồng.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Ty - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn