“Xác định rõ mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo là yếu tố then chốt để thúc đẩy bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực, huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ban, ngành quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ có năng lực, trình độ để bổ sung vào nguồn quy hoạch của từng cơ quan, đơn vị. Qua đó, vai trò, địa vị của phụ nữ trong hệ thống chính trị ngày càng được nâng lên; tỉ lệ cán bộ nữ trong các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt trong bộ máy chính quyền các cấp có những chuyển biến tích cực”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết.
Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ huyện Hướng Hóa đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện. Mô hình “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... đã thu hút hàng ngàn phụ nữ tham gia, có tác dụng thiết thực giúp chị em tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, tăng hiệu quả kinh tế. Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa Hồ Thị Thu Nhường cho biết thêm: “Với tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 80% hội viên, phụ nữ, thời gian qua, thực hiện Luật Bình đẳng giới đã tạo những chuyển biến tích cực trong hội viên, phụ nữ. Chị em đã chủ động, tự tin và quyết đoán hơn trong phát triển các mô hình kinh tế cũng như tham gia các hoạt động xã hội, phong trào thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ...”.
Việc quan tâm thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới trên địa bàn huyện Hướng Hóa còn thể hiện ở lĩnh vực lao động việc làm. Nằm trong nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tạo việc làm cho người lao động, thì lao động nữ được huyện ưu tiên. Trung bình hằng năm có từ 30 - 35% lao động nữ được tạo việc làm mới; tỉ lệ lao động nữ được đào tạo nghề tăng từ 18% năm 2007 lên 49,27% năm 2021. Từ nguồn vốn cho vay ủy thác giữa Hội LHPN huyện với Ngân hàng Chính sách xã hội, các cấp hội đã hướng dẫn, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình, đưa số dư nợ của hội quản lý hơn 194 tỉ đồng và số tiền tiết kiệm được hơn 7 tỉ đồng. Hiện nay, Hội LHPN huyện Hướng Hóa có 115 tổ tiết kiệm và vốn vay thôn, bản với 4.266 thành viên… Việc thực hiện bình đẳng giới ngày càng được quan tâm thực hiện tốt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tính đến nay, trên 90% phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 40 tại các xã đồng bào dân tộc thiểu số biết chữ… Hằng năm, 100% nữ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên được bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao trình độ chuyên môn. Đến nay, tất cả nữ cán bộ lãnh đạo quản lý cấp huyện có trình độ chuyên môn đại học và trung cấp lý luận chính trị…
Cùng với sự phát triển KT - XH, công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng luôn được ngành y tế quan tâm thực hiện, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, trong đó quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn tiền hôn nhân cho vị thành niên trên địa bàn huyện, tổ chức khám thai định kỳ cho phụ nữ mang thai. Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa đã triển khai sâu rộng việc thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; chủ động kiểm soát, giải quyết các nguyên nhân làm mất cân bằng giới tính; thực hiện chính sách miễn giảm chi phí khám và chữa bệnh cho phụ nữ nghèo; triển khai thực hiện bảo hiểm y tế cho người nghèo, trong đó có phụ nữ nghèo đạt tỉ lệ 100%. Đến nay, toàn huyện có 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ nữ và nữ hộ sinh. Phụ nữ được thực hiện bình đẳng trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt trên 95%, tỉ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận chăm sóc các dịch vụ y tế hằng năm đạt 96% trở lên…
Nữ giới vùng cao Hướng Hóa cũng ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận và tham gia lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Nhiều cuộc thi phát động, được cải tiến nội dung, hình thức hoạt động, sinh hoạt thu hút ngày càng đông các đối tượng phụ nữ. Các giải đấu thể dục, thể thao, văn nghệ có phụ nữ tham gia như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, chạy việt dã, liên hoan hát ru, hát dân ca... được triển khai hằng năm đã tạo không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho phụ nữ…
Trong gia đình, công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng đã đem lại kết quả tích cực, làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Vợ chồng bình đẳng với nhau trong gia đình, bàn bạc và lựa chọn sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp; quan tâm, chăm sóc, yêu thương con cái, từng bước xác lập mối quan hệ bình đẳng trong ứng xử vợ chồng, chia sẻ công việc gia đình. Vai trò của người phụ nữ đã được cải thiện đáng kể, người phụ nữ được tôn trọng và được tham gia nhiều hơn vào các quyết định trong gia đình, vào các hoạt động sản xuất tạo thu nhập cho gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình giảm theo từng năm. Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được phát động sâu rộng trong toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ. Các nội dung thi đua đã trở thành động lực thúc đẩy chị em vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác hội.
Qua đó cho thấy, Luật Bình đẳng giới đã được triển khai thực hiện ở mọi lĩnh vực từ gia đình đến xã hội, làm thay đổi các quan niệm về đạo đức, phong tục, tập quán và đặc biệt làm thay đổi thân phận, địa vị của phụ nữ vùng cao. Thực hiện Luật Bình đẳng giới cũng tạo nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức, tư tưởng của chị em phụ nữ được nâng cao, sự quan tâm chia sẻ và cách ứng xử của phụ nữ và trẻ em gái trong mỗi gia đình, tại cộng đồng và trong cơ quan đã có những chuyển biến rõ rệt.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn