Về vùng biển bãi ngang xã Gio Việt, H.Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, hỏi chị Trần Thị Luận, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân Xuân, hầu như ai cũng biết.
Năng nổ với công tác Hội
Bà con gọi chị Luận là “o Luận tổng đài”. Bất cứ thắc mắc hay khó khăn gì bà con đều tìm đến chị. Từ làm thủ tục vay vốn hộ nghèo, chính sách đến lịch tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em, làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm hay những thắc mắc khó bề tháo gỡ, tất tần tật đều được chị Luận tỉ mỉ giải thích.
Gio Việt là xã biển bãi ngang, đời sống kinh tế của nhiều người dân còn nghèo khó, do vậy chị Luận luôn tìm cách động viên, tuyên truyền chị em vào Hội Phụ nữ để “đoàn kết giúp đỡ nhau vươn lên”. Vào Hội, chị mới có cơ sở để quan tâm giúp đỡ như vận động chị em tiết kiệm, tổ chức tổ vay vốn để phát triển kinh tế, thăm hỏi khi đau ốm, khó khăn… Nhận thấy những lợi ích ấy, 100% chị em của thôn Tân Xuân đã tham gia tích cực.
Hơn chục năm làm công tác Hội, chị Luận luôn tiên phong trong các phong trào giúp chị em thực hiện lối sống văn minh, phát triển kinh tế. Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh sạch đẹp” được chị em hưởng ứng, góp phần làm sạch đường quê, ngõ xóm, xây dựng nông thôn mới. Khoảng một năm trở lại đây, phụ nữ thôn Tân Xuân có thêm phong trào gom ve chai hỗ trợ chị em nghèo. Nhà ai có vỏ lon, chai nhựa… đều đưa đến cho vào thùng ve chai của Hội. Mỗi tháng một lần, chị em tổ chức phân loại đem bán lấy tiền gây quỹ. “Kinh phí thu được còn nhỏ nhưng qua đó chị em nâng cao được tinh thần tương thân, tương ái và ý thức bảo vệ môi trường”, chị Luận nói.
Năm trước, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, những khu cách ly được mở ra để ngăn chặn dịch, chị Luận tất bật với việc vận động lương thực, thực phẩm, nấu nướng tiếp tế cho các lực lượng làm việc nơi tuyến đầu. Chị đến từng nhà hội viên để tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, kêu gọi sự chung tay của các mạnh thường quân để tặng khẩu trang, nước sát khuẩn cho bà con.
Trước đó, vào năm 2015, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam hỗ trợ thành lập 6 tổ giám sát cộng đồng nhằm phát huy vai trò của người dân trong công việc giám sát các công trình phúc lợi xã hội tại Quảng Trị, chị Luận làm Tổ trưởng nhóm cộng đồng Tân Xuân và sát sao trong từng công việc của mình. Tại công trình xây dựng Trung tâm Sinh hoạt cộng đồng thôn Tân Xuân, chị đã giám sát và thẳng thắn đưa ra các ý kiến để việc xây dựng đúng kỹ thuật, đúng tiến độ. “Sau khi tham gia các dự án về giám sát ngân sách và đầu tư công, thành viên nhóm cộng đồng hiểu rõ hơn vai trò của mình và cảm thấy có trách nhiệm trong việc giám sát các chương trình ở địa phương. Việc giám sát của cộng đồng giúp các công trình có chất lượng tốt hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân”.
Không chỉ vậy, nhóm còn đưa ra sáng kiến giám sát tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ 0 đến 5 tuổi ở thôn. Việc tuyên truyền được đẩy mạnh, chị em trong Hội đã tự nguyện đưa con em mình đi tiêm chủng. Sáng kiến được ghi nhận có tính thực tiễn cao. Với hiệu quả tích cực, nhóm được chọn đi chia sẻ kinh nghiệm tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cho đi là nhận lại
Hỗ trợ chị em nghèo phải bắt đầu từ nền tảng căn bản và bền vững. Nghĩ thế, chị Luận chọn cách đồng hành cùng học sinh nghèo miền biển với việc phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Thông qua phong trào ve chai gây quỹ và kêu gọi các mạnh thường quân, chị cùng chi hội đã trao nhiều suất quà, học bổng cho các cháu học sinh là con em hội viên nghèo để các cháu mua sắm sách vở, đóng học phí. Em Võ Hoang - học sinh lớp 11, chia sẻ: “Gia cảnh cháu rất khó khăn. Việc đóng học phí và mua sắm sách vở, tài liệu luôn làm cháu lo lắng. Vừa rồi được cô Luận trao học bổng 1,2 triệu đồng, cháu đã bớt lo được khoản học phí, yên tâm đến trường”.
Tết Nguyên đán vừa qua, lúc nửa đêm, khi mọi người đang say giấc, chị Luận nghe chuông thông báo từ Facebook. Mở ra xem, chị thấy có người đang cần máu tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Nhà ở cách bệnh viện hơn 15 cây số, nhưng không một chút đắn đo, chị bật dậy phóng xe máy đến nơi đang cần máu bởi “việc trao cho ai đó một cơ hội sống đáng quý hơn bất cứ điều gì”. Chị nhẩm tính, số lần hiến máu cứu người của chị trong vài năm qua đã vượt quá mười ngón tay. “Mình chỉ trao đi một chút nhưng đó là cả sự sống của người nhận. Hạnh phúc ấy có gì bằng”, chị Luận bộc bạch.
Như một nguồn năng lượng tích cực không vơi cạn, nhiều năm qua, đóng góp của chị Luận luôn được các cấp Hội và chính quyền địa phương ghi nhận. Chị bảo, trong bất cứ công việc nào cũng cần có tình yêu, trách nhiệm và một trái tim có “lửa”. “Tôi luôn trăn trở làm thế nào để có thể giúp đỡ được nhiều nhất cho chị em, bà con, nhất là các trường hợp khó khăn. Tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động chị em nỗ lực vươn lên để thay đổi cuộc sống, chăm lo cho con cái và hướng tới tương lai tươi đẹp. Với tôi, không có sự ghi nhận nào quý giá bằng niềm tin mình nhận lại từ bà con”, chị Luận giãi bày.
Nguồn tin: phunuonline
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn