Ngay sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Hải Lăng đã chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, các hội đoàn thể các cấp trên địa bàn huyện thường xuyên tuyên truyền quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị; xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là hoạt động thường xuyên; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND Huyện Hải Lăng kiêm Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH huyện Hải Lăng Cáp Xuân Tá, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nhận thức rõ trách nhiệm đối với việc tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Hàng năm, UBND huyện đều quan tâm dành một phần vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến nay, UBND huyện đã chuyển hơn 5,5 tỷ đồng từ ngân sách sang Phòng giao dịch NHCSXH huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, UBND huyện Hải Lăng cũng đã tạo điều kiện bố trí mặt bằng cho Phòng giao dịch NHCSXH huyện xây dựng trụ sở làm việc tại trung tâm huyện; mở 16 điểm giao dịch tại trụ sở UBND xã, thị trấn; tạo điều kiện gắn kết giữa NHCSXH với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, địa phương tỉnh, huyện chuyển sang, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Hải Lăng đã góp phần xóa nghèo cho hơn 5.339 hộ, xóa cận nghèo 3.549 hộ, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ năm 2014 là 10,73% xuống còn 3,74%, hộ cận nghèo từ 11,32% xuống còn 4,82% đầu năm 2024; góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 66,3 triệu đồng; đã hỗ trợ cho 35.542 lao động có việc làm, trong đó có 2.743 lao động thông qua nguồn vốn tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm; giúp kinh phí cho 258 lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; trang trải chi phí học tập cho 4.013 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; 14 trường hợp chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định; xây dựng được 13.560 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng được 335 ngôi nhà cho các đối tượng hộ nghèo, 90 nhà ở xã hội và phát triển các ngành nghề khác.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều gia đình đã vượt khó vươn lên, cải thiện cuộc sống gia đình. Một trong điển hình đó là chị Lê Thị Gái hội viên hội phụ nữ thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh chị là một hội viên chăm chỉ, năng động, phát triển kinh kế gia đình, bằng nhiều hình thức như trồng hoa, rau màu ngắn ngày năm 2021 được Hội LHPN xã Hải Chánh tạo điều kiện để chị tiếp cận được nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội huyện số tiền 50.000.000đ, từ Chương trình hộ cận nghèo đó chị đã nghỉ ngay đến việc cải tạo lại vườn. Nhờ vào nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện chị đã đầu tư vào vườn rau ngắn ngày, để phát triển kinh tế tăng thêm thu nhập của gia đình chị. Khu vườn nhà chị đã phát triển và cho thu nhập trên 100.000.000đ/năm. Kinh tế gia đình chị dần ổn định chị đã tích góp và xây dựng cho minh ngôi nhà khang trang, sạch đẹp, đầu tư cho con cái học hành để trở thành công dân tốt cho xã hội. Cùng với chị Lê Thị Gái, hàng nghìn đối tượng chính sách trên địa bàn huyện đã tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
Để tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, thời gian tới, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội phải xác định chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn,... Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; điều tra, rà soát, bổ sung đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo quy định, tăng cường tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, công tác khuyến nông, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ nghèo và các dối tượng chính sách; phổ biến các mô hình vay vốn, các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả; các điển hình giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên toàn địa bàn huyện, để “Tín dụng chính sách xã hội kịp thời đồng hành cùng mỗi người dân trên mỗi giai đoạn quan trọng của cuộc đời “Học tập, lập nghiệp, khởi nghiệp, an cư”.
Bài và ảnh: Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Hải Lăng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn