Những chính sách, quy định có hiệu lực từ tháng 1/2022

Chủ nhật - 08/10/2023 23:34
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; thu nhập dưới 2 triệu đồng/tháng ở thành phố được coi là hộ nghèo; vay mua nhà, lãi suất chỉ 4,8%… - đó là 3 trong số nhiều quy định mới có hiệu lực từ tháng 1/2022.
Những chính sách, quy định có hiệu lực từ tháng 1/2022

Quy định mới về hộ nghèo

Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, thay thế Quyết định 59/2015/QĐ-TTg. Theo Nghị định, từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn… được coi là hộ nghèo. Đối với các hộ có mức sống trung bình: có thu nhập trung bình đầu người/tháng từ 1,5-2,25 triệu đồng/tháng ở nông thôn và trên 2-3 triệu đồng/người ở thành thị.

Trước đây, ở thành thị, hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì mới được coi là hộ nghèo. Còn ở nông thôn, quy định hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

 

Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Từ ngày 1/1/2022, theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ, những người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng được tăng lên 7,4% trên mức lương hưu của tháng 12/2021.

Ngoài ra, điều chỉnh tăng thêm đối với các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP: Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống. Tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.

 

Người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online

Từ ngày 1/1/2022, Thông tư số 17/2021/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; trong đó, bổ sung quy định: Tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.

Điều chỉnh giá xăng 10 ngày/lần

Ngày 2/1/2022, Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực, sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh 10 ngày/lần vào các ngày 1, 11 và ngày 21 hằng tháng. Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.

Trước đây, Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.

 

Tuổi nghỉ hưu của người lao động được tăng lên

Theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu năm 2022 của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 55 tuổi 8 tháng đối với nữ và đủ 60 tuổi 6 tháng đối với nam. So với tuổi nghỉ hưu năm 2021 thì tuổi nghỉ hưu năm 2022 đã được điều chỉnh tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ.

Trong trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 5-10 tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.

Thời điểm nghỉ hưu được xác định từ khi kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Còn thời điểm người lao động được nhận lương hưu là bắt đầu ngày đầu tiên của tháng liền kề sau thời điểm nghỉ hưu. Đối với trường hợp người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

 

Xử phạt ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera

Từ ngày 1/1/2022, theo Nghị quyết 66 năm 2021 của Chính phủ, ô tô kinh doanh vận tải (taxi, xe khách, xe buýt, xe hợp đồng…) không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng.

Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA, trước ngày 31/12/2021 những phương tiện phải đổi biển số sang màu vàng gồm xe tải, xe công nghệ, taxi truyền thống, xe khách kinh doanh vận tải. Từ ngày 1/1/2022, các phương tiện ô tô kinh doanh vận tải chưa đổi biển số vàng sẽ bị xử phạt từ 2-4 triệu đồng đối với cá nhân, còn đối với chủ xe là tổ chức, mức phạt là 4-8 triệu đồng.

 

Được nghỉ việc nếu bị quấy rối tình dục khi làm việc ở nước ngoài

Từ ngày 1/1/2022, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực. Luật mới có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam ở xứ người, điển hình là quy định cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Luật cũng quy định người đi xuất khẩu lao động không phải đóng BHXH hoặc thuế thu nhập cá nhân 2 lần ở Việt Nam và ở nước đến làm việc, nếu hai nước đã ký hiệp định về BHXH hoặc hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Đáng chú ý, luật nghiêm cấm việc thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động của người lao động.

 

Thay đổi mức phạt với nhiều vi phạm liên quan đến hóa đơn

Nghị định 102 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định phạt từ 4-8 triệu đồng đối với trường hợp lập hóa đơn nhưng không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định, trong khi trước đây không có quy định xử phạt về hành vi này. Tương tự, với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế, Nghị định 102 cũng quy định phạt từ 4-8 triệu đồng và các bên phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn. Trước đây, hành vi này cũng không có quy định xử phạt.

Đáng chú ý, Nghị định mới tăng thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn lên 2 năm, thay vì 1 năm như cũ.

 

Vay mua nhà, lãi suất chỉ 4,8%

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1956 về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013, Thông tư số 32/2014 và Thông tư số 25/2016. Theo đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản vay nêu trên là 4,8%/năm. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022.

 

Người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm có thể bị phạt tới 600.000 đồng

Nghị định 123 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2022quy định sửa đổi, bổ sung một số điều trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Một số vi phạm về giao thông đường bộ tăng nặng mức phạt so với Nghị định 100 hiện nay. Đáng chú ý, để phù hợp với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đối với cá nhân được tăng lên 75 triệu đồng.

Tại Nghị định 123, nhiều mức phạt có tính chất nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn có thương vong cũng được tăng mức phạt.

Cơ quan chức năng tăng mức xử phạt đối với người đua xe máy lên 10-15 triệu đồng thay vì 7-8 triệu đồng như quy định hiện hành.

Ngoài ra, nếu trường hợp đua ôtô, mức xử phạt cũng tăng 8-10 triệu đồng lên 20-25 triệu đồng.

Mức phạt cũng tăng 6-8 triệu đồng hiện tại lên 10-12 triệu đồng đối với vi phạm về dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; quay đầu xe trên đường cao tốc.

Cơ quan soạn thảo quy định mức xử phạt tăng từ 200.000-300.000 đồng lên 400.000-600.000 đồng đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách.

Hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ có mức xử phạt 600.000 đồng-1 triệu đồng tăng lên 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, hình phạt bổ sung là tước bằng lái 1-3 tháng được giữ nguyên.

Người sử dụng giấy phép lái xe quá hạn dưới 3 tháng sẽ bị phạt 5-7 triệu đồng. Người sử dụng giấy phép quá hạn trên 3 tháng, không có hoặc sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt 10-12 triệu đồng.

 

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của luật này là quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý theo quy định. Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP năm 2016 của Chính phủ, không phân loại rác có thể sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng. Ngoài ra, luật mới cũng quy định giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại, tức là kể từ ngày 1/1/2022, gia đình, cá nhân nào càng xả nhiều rác thì càng phải trả nhiều tiền.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Fanpage Hội Phụ nữ
hình ảnh
Văn bản mới

24/HD-BTV

HƯỚNG DẪN Công tác tuyên truyền, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Thời gian đăng: 17/10/2023

lượt xem: 233 | lượt tải:13
Liên kết Website
Dự án 8
bình đẳng giới
facebook HPN
Thống kê
  • Đang truy cập38
  • Hôm nay9,143
  • Tháng hiện tại85,956
  • Tổng lượt truy cập4,258,497
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây