Nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống của phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô

Thứ năm - 20/10/2022 23:28
Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nơi ở, người phụ nữ không vượt ra khỏi mái nhà sàn, nương rẫy, hôm nay phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô nơi miền Tây Quảng Trị đã có nhiều thay đổi. Chị em thay đổi từ nếp nghĩ đến cách làm, khắc phục khó khăn vươn lên làm chủ cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực tham gia các hoạt động xã hội...
Qua tham gia sinh hoạt nhóm U10, các ông bố, bà mẹ người dân tộc Pa Kô, Vân Kiều được nâng cao về nhận thức, hiểu biết hơn về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ con cái - Ảnh: TL
Qua tham gia sinh hoạt nhóm U10, các ông bố, bà mẹ người dân tộc Pa Kô, Vân Kiều được nâng cao về nhận thức, hiểu biết hơn về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ con cái - Ảnh: TL

Ý thức tự mình vươn lên

Là một phụ nữ khuyết tật, nằm trong nhóm hộ rất nghèo, chị Hồ Thị Khuông ở thôn A Xau, xã A Túc, huyện Hướng Hóa hiện đã không còn tự ti về bản thân, tích cực tham gia các hoạt động do Hội phụ nữ tổ chức như hướng dẫn lập kế hoạch phát triển hộ, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê; tham gia nhóm tiết kiệm, vay vốn thôn bản, hướng dẫn về quản lý tài chính. Sau khi tập huấn, chị đã được hỗ trợ vốn thực hiện hoạt động sinh kế với 2 con dê giống.

Thành quả chị có được hôm nay đó là sự tự tin, là ý thức vươn lên và chủ động hơn trong phát triển sinh kế gia đình, hòa nhập, tham gia các hoạt động nhóm, hội và rất mạnh dạn chia sẻ, học hỏi với các hộ khác trong nhóm. Chị đã biết tiết kiệm chi tiêu, chăm lo cho 2 con đến trường. Chị là đại diện cho người phụ nữ trong nhóm thiệt thòi, yếu thế đã biết tự mình vươn lên làm chủ cuộc sống.

Từ “góc bếp sạch” đến sức khỏe gia đình

Khởi nguồn từ năm 2014, 200 chị em thuộc các nhóm cha mẹ đã triển khai thực hiện sáng kiến “Góc bếp sạch sẽ, sức khỏe cho con”. Đến nay, phong trào đã lan toả đến hàng nghìn hộ gia đình tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông. Đây không chỉ đơn thuần là con số thống kê mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc về chăm sóc sức khỏe gia đình, thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Chị Hồ Thị Nhung, người phụ nữ Vân Kiều đầu tiên xung phong xây dựng “góc bếp sạch” ở bản Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đakrông cho biết: “Đã bao đời nay, người Vân Kiều, Pa Kô sống ở nhà sàn, quen với việc nấu nướng trên sàn nhà, vật dụng nấu nướng để ngay trên sàn, ở cạnh chỗ ngủ nên rất mất vệ sinh. Nay nghe cán bộ tuyên truyền về nhà sạch, bếp sạch, mình đã suy nghĩ rất nhiều và cũng muốn thay đổi để góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả nhà, nhất là cho các con...”.

Nghĩ là làm, chị đã mạnh dạn vận động chồng con cùng chung tay xây dựng “góc bếp sạch” để làm gương cho chị em phụ nữ trong bản. Xã Tà Long của chị hiện đã có 350 góc bếp sạch và mỗi ngày lại có thêm nhiều chị em hưởng ứng thực hiện.

Đổi thay trong chăm sóc, nuôi dạy con

Đã từ lâu, người đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa và Đakrông luôn quan niệm “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, trẻ em sinh ra tự thích nghi với cuộc sống và sẽ tự lớn lên. Việc chăm sóc con của các bậc bố mẹ chưa được quan tâm đúng mức.

Để thay đổi nhận thức của các ông bố, bà mẹ người dân tộc thiểu số trong chăm sóc trẻ, Hội phụ nữ đã tập trung xây dựng mô hình “Nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 3 tuổi” (nhóm U3). Vượt qua những khó khăn ban đầu khi vận động thành lập 7 nhóm U3 thí điểm tại 7 xã, đến nay ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông đã có 100 nhóm/2.808 thành viên sinh hoạt đều đặn theo định kỳ hằng tháng với sự tham gia của các ông bố, bà mẹ.

Qua tham gia sinh hoạt nhóm U3 (nay là U10) các ông bố, bà mẹ được nâng cao nhận thức, hiểu biết hơn về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ con. Các bà mẹ cho con bú trong thời gian dài hơn, chế biến được các món ăn đủ dinh dưỡng cho con. Biết đưa con đi tiêm phòng, khám bệnh khi con bị ốm. Thực hiện ngăn ngừa nguy cơ tai nạn thương tích, nguy cơ bị xâm hại cho trẻ. Hiểu biết về tầm quan trọng của việc học hành đối với con. Dành thời gian tâm sự, hỗ trợ con.

Đặc biệt là đã góp phần thay đổi định kiến giới về vai trò chăm sóc và nuôi dạy con cái, thúc đẩy sự tham gia, chia sẻ với vợ của các ông chồng trong quá trình nuôi dạy con. Mối quan hệ giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái được củng cố chặt chẽ, gắn bó hơn. Cha mẹ có thời gian quan tâm, biết cách tận dụng những thứ sẵn có ở trong gia đình làm đồ chơi để chơi với con....

Phụ nữ tham gia lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Tại 104 thôn bản thuộc 15 xã của 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa, 104 nhóm đại diện của phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt các phụ nữ khuyết tật, đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn đã tham gia vào quá trình tham vấn, bày tỏ ý kiến và đề xuất các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội với lãnh đạo thôn.

Tại hội thảo lập kế hoạch cấp xã, các chị đã tự tin trình bày và bảo vệ kế hoạch với lãnh đạo xã và đại diện các ban, ngành. Ý kiến của các chị đã được ghi nhận, xếp loại ưu tiên và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của xã. Từ nguồn lực của địa phương cũng như sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhiều hoạt động do các chị đề xuất đã được phân bổ ngân sách và triển khai thực hiện thành công.

Sự đồng hành của tổ chức Plan

Để có được sự thay đổi của những phụ nữ trong các câu chuyện kể trên là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp Hội phụ nữ; là sự chủ động trong công tác phối hợp để triển khai các hoạt động của tổ chức hội. Và “bạn đồng hành” đầy trách nhiệm cùng với các cấp Hội phụ nữ trong thời gian qua là tổ chức Plan International Quảng Trị.

Ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, tổ chức Plan đã phối hợp, hỗ trợ Hội phụ nữ các cấp tổ chức các hoạt động tập huấn, sinh hoạt nhóm nhỏ, hội thi nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng; hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về nuôi dạy con, về phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, kỹ năng tham gia xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng… Đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, phòng, chống kết hôn sớm; các hội thi về chủ đề phòng, chống kết hôn sớm ở cấp huyện và xã, hàng trăm buổi truyền thông về phòng tránh kết hôn sớm.

Ngoài ra, Plan cũng đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ, nữ thanh niên phát triển kinh tế như phát động cuộc thi “Viết ý tưởng khởi nghiệp”, hỗ trợ cây, con giống... Đặc biệt, mô hình nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản có ý nghĩa xã hội sâu sắc giúp phụ nữ dân tộc thiểu số hình thành thói quen tiết kiệm phù hợp, tạo được nguồn vốn tại chỗ cho nhau vay giải quyết kịp thời các khó khăn của chị em. Hiện nay đã thành lập và duy trì sinh hoạt 462 nhóm tại 27 xã thuộc huyện Hướng Hóa và Đakrông với 8.050 thành viên tham gia.

Tác giả bài viết: Minh Hồng, UVBTV, Trưởng ban Kinh tế, Gia đình - xã hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Hội Phụ nữ
hình ảnh
Văn bản mới

24/HD-BTV

HƯỚNG DẪN Công tác tuyên truyền, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Thời gian đăng: 17/10/2023

lượt xem: 200 | lượt tải:13
Liên kết Website
Dự án 8
bình đẳng giới
facebook HPN
Thống kê
  • Đang truy cập36
  • Hôm nay4,676
  • Tháng hiện tại69,923
  • Tổng lượt truy cập3,962,333
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây