Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Thứ bảy - 18/03/2023 05:29
QTO - Thời gian qua, nhiều địa phương ở huyện Gio Linh đã triển khai xây dựng mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Mô hình này nhằm huy động sự tham gia, vào cuộc của cả cộng đồng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo hành gia đình, bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em, từ đó xây dựng gia đình hạnh phúc, làng xóm yên vui.
Phụ nữ và trẻ em thôn Vĩnh Tân có môi trường sống an toàn, lành mạnh - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Phụ nữ và trẻ em thôn Vĩnh Tân có môi trường sống an toàn, lành mạnh - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Gia đình anh Nguyễn Ngọc Dũng, chị Nguyễn Thị Thương ở thôn Nam Tân, xã Gio Sơn, được người dân quanh vùng biết đến là tổ ấm hạnh phúc, tiêu biểu. Con trai đầu của anh chị là Nguyễn Ngọc Duy đang học lớp 8; con gái Nguyễn Thị Ngọc Linh hiện đang học lớp 6. Nhiều năm nay, dưới mái nhà nhỏ của anh chị không có “tiếng chì tiếng bấc”.

“Nhiều năm nay, đặc biệt là từ khi trong thôn thực hiện mô hình Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em, chồng tôi dành thời gian ở nhà nhiều hơn sau giờ làm việc. Mỗi ngày, sau khi đi làm về, vợ chồng tôi cùng nhau chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái và chỉ bảo các con học bài. Điều khiến chúng tôi vui mừng là các con đều chăm ngoan, hiếu học. Chúng tôi thường sẻ chia với nhau về mọi chuyện nên thấu hiểu và yêu thương nhau hơn”, chị Thương nói.
 

Tại thôn Nam Tân, gia đình hạnh phúc, bình an như nhà anh Dũng, chị Thương không phải là số ít. Từ lâu, người dân trong thôn đã biết đoàn kết xây dựng lối sống văn minh, lành mạnh, hạnh phúc. Vì vậy, đời sống người dân nơi đây có mặt bằng chung khá toàn diện.

Nhiều năm về trước, Nam Tân được xã Gio Sơn chọn làm điểm xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu; Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Gio Linh chọn làm điểm xây dựng “Gia đình 5 không 3 sạch”. Đặc biệt, ngày 25/10/2021, thôn Nam Tân được Hội LHPN xã Gio Sơn chọn tổ chức ra mắt mô hình điểm “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” với 163 thành viên là các hộ gia đình trong thôn.

Ban điều hành mô hình gồm có trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, trưởng ban công tác mặt trận thôn, công an viên, thôn đội trưởng và đại diện các hội, đoàn thể trong thôn. Từ khi ra mắt đến nay, ban điều hành mô hình thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chung tay phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ; phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em; phòng, chống bạo lực học đường; an toàn lao động; an toàn giao thông; kiến thức pháp luật về bình đẳng giới; vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…

Đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau khi ốm đau, vui buồn, hiếu hỉ.

Chủ tịch Hội LHPN xã Gio Sơn Hoàng Thị Liễu cho hay, sau khi ra mắt mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, 20 gia đình có con nhỏ dưới 10 tuổi ở thôn Nam Tân cùng nhau thành lập nên nhóm “U10” để giúp nhau nuôi dạy con tốt hơn. Hội LHPN xã cũng phối hợp với chi hội phụ nữ thôn rà soát, vận động nguồn quỹ, nhận đỡ đầu 4 cháu nhỏ mồ côi trên địa bàn thôn Nam Tân.

Ngày 17/10/2022, Hội LHPN xã Linh Hải tổ chức ra mắt mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại thôn Vĩnh Tân với 168 hộ gia đình tham gia. “Sau khi ra mắt mô hình, chúng tôi thành lập các nhóm kín trên mạng xã hội facebook, zalo để chị em phụ nữ trong thôn tham gia. Trên nhóm, ban điều hành sẽ cung cấp những thông tin pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, cách chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái để chị em nghiên cứu, tham khảo.

Đây cũng là nơi để chị em phụ nữ chia sẻ với nhau những câu chuyện trong cuộc sống. Nhà nào có tình trạng bạo hành hay con cái bỏ học, sa vào tệ nạn xã hội là kịp thời thông báo để cùng nhau tìm cách giải quyết. Nhờ vậy, chị em phụ nữ trong thôn dần tự tin hơn và tự chủ được cuộc sống của mình”, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Vĩnh Tân Nguyễn Thị Vân nói.

Cũng theo chị Vân, từ khi có mô hình này, hầu hết những người cha, người chồng đã biết yêu thương, chăm sóc vợ con nhiều hơn. Nếu như trước đây, nhiều người không thích để vợ tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ thì nay, họ khuyến khích vợ con tham gia vào câu lạc bộ dân vũ của thôn. Thậm chí, một số người còn chở vợ đến nơi tập luyện của câu lạc bộ. Nhờ vậy, phong trào văn hóa văn nghệ tại thôn Vĩnh Tân ngày càng phát triển, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao.

Dựng xây cuộc sống tốt đẹp hơn

Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động các ông bố, bà mẹ chăm lo nuôi dạy con cái nên người, tránh xa tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật, ban điều hành mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” thôn Vĩnh Tân còn thường xuyên phát động người dân chung tay trồng cây xanh dọc các tuyến đường nội thôn. Hệ thống đường nội thôn nơi đây đã được bê tông hóa 100% và phủ xanh bởi cây bằng lăng, phượng, sao đen, giáng hương...
 

Gia đình anh Nguyễn Ngọc Dũng, chị Nguyễn Thị Thương ở thôn Nam Tân, xã Gio Sơn được người dân quanh vùng biết đến là tổ ấm hạnh phúc, tiêu biểu - Ảnh: Trần Tuyền

Nhận thấy phong trào trồng xây xanh của thôn Vĩnh Tân có hiệu quả nên Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN nữ huyện Gio Linh đã tặng địa phương nhiều cây xanh, gồm: giáng hương, sao đen, phượng, bằng lăng. Từ nguồn cây này, người dân tiếp tục phủ xanh những tuyến đường. Không chỉ trồng cây xanh, thôn Vĩnh Tân còn quan tâm bảo vệ môi trường sống cho phụ nữ, trẻ em nói riêng và toàn thể người dân nói chung. Hiện, nhiều điểm trong thôn đã được lắp camera giám sát an ninh. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự trong thôn được đảm bảo.

Khi được hỏi về sự khác biệt giữa trước và sau khi có mô hình này, chị Vân khẳng định: “Từ khi mô hình được thành lập, phụ nữ trong thôn nhận thức được vị trí, vai trò của mình trong gia đình và dần tự tin hơn. Họ chủ động tham gia các cuộc họp thôn để phát biểu, đóng góp tiếng nói xây dựng quê hương làng xóm. Các ông chồng ít nhậu nhẹt hơn trước và dành nhiều thời gian cho gia đình. Trẻ em được tiếp cận với giáo dục sớm hơn và được tạo môi trường thuận lợi nhất để phát triển toàn diện”.

Tại thôn Nam Tân, xã Gio Sơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng ngày càng được cải thiện và nâng cao. Người dân đã ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, làm sạch nhà cửa và đường làng ngõ xóm. Thông qua các cuộc vận động, cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương cùng chung sức xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh dọc các tuyến đường nội thôn.

Tổ chức các hội thi tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Nhờ đó, trong thôn nhiều năm qua không xảy ra trường hợp nào bạo hành gia đình hay vi phạm pháp luật. “Trong năm, những gia đình hạnh phúc, tiêu biểu trong thực hiện nếp sống văn minh, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do địa phương tổ chức thì sẽ được khen thưởng, tuyên dương, từ đó góp phần lan tỏa tinh thần xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp hơn”, Chủ tịch Hội LHPN xã Gio Sơn Hoàng Thị Liễu cho biết.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Gio Linh có 3 xã triển khai thực hiện mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Với sự quan tâm của hội LHPN các cấp, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương, mô hình này đã trở thành điểm tựa cho phụ nữ và trẻ em. Tình làng nghĩa xóm cũng từ đó được gắn bó, thắt chặt, tạo sự lan tỏa trong cách ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa của người dân.

 

Nguồn tin: TRẦN TUYỀN (Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Hội Phụ nữ
hình ảnh
Văn bản mới

24/HD-BTV

HƯỚNG DẪN Công tác tuyên truyền, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Thời gian đăng: 17/10/2023

lượt xem: 200 | lượt tải:13
Liên kết Website
Dự án 8
bình đẳng giới
facebook HPN
Thống kê
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay5,293
  • Tháng hiện tại70,540
  • Tổng lượt truy cập3,962,950
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây